Gia Lai: Người dân sống "khổ" bên nhà máy đường An Khê

Tiếng dân - Ngày đăng : 12:56, 30/03/2021

(TN&MT) - Suốt 20 năm hoạt động, nhà máy đường An Khê (thôn 2, xã Thành An, thị xã An Khê, Gia Lai) đã gây ra những tác động không nhỏ về môi trường, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân xung quanh khu vực nhà máy.

Người dân "tố" nhà máy đường An Khê hoạt động gây ô nhiễm môi trường

Kêu trời không thấu

Nửa đêm 09/3/2021, các hộ dân sống cạnh khu xử lý nước thải của nhà máy đường An Khê gọi điện thoại cho chính quyền địa phương để “kêu cứu” vì tiếng ồn, mùi hôi từ nhà máy đường An Khê (thuộc Công ty Cổ phần đường Quãng Ngãi) khiến hàng chục người dân, cả người lớn và trẻ nhỏ không thể chợp mắt.

“Đó không phải là lần đầu. nhà máy hoạt động cả ngày cả đêm, đã làm đảo lộn hoàn toàn đời sống của người dân chúng tôi. Bao nhiêu đơn phản ánh, bao nhiêu lời “kêu cứu” chúng tôi đã gửi lên các cấp chính quyền địa phương, nhưng đến nay, người dân chúng tôi vẫn phải sống cùng mùi hôi, tiếng ồn, khói bụi của nhà máy đường An Khê”, bà Nguyễn Thị Trưng (thôn 2, xã Thành An, thị xã An Khê) than phiền.

Dẫn chúng tôi đi xem từng mảng bụi đen bám vào trần nhà, bàn ăn và nền nhà, chị Tô Thị Thúy Hằng (thôn 2, xã Thành An) cho hay, đây là tro bụi phát sinh từ quá trình hoạt động của nhà máy đường An Khê. “Tro bụi này bám vào da người sẽ gây ngứa. Mấy đứa cháu nhỏ liên tục bị ho, mắc bệnh đường hô hấp. Ngoài ra, hít phải tro bụi này, mọi người trong nhà tôi đều thấy khó thở”, chị Hằng nói.

Tro, bụi từ hoạt động của nhà máy bay vào nhà dân

Trong tâm trạng bức xúc, bà Võ Thị Xuân Sen (thôn 2, xã Thành An) cho biết, hằng ngày phải sống chung với ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, mùi hôi thối từ nhà máy đường An Khê khiến sức khỏe của cả gia đình bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Người lớn, trẻ nhỏ năm nào cũng phải đi khám da liễu vì ngứa, lở loét. Năm trước, 2 xào ớt của gia đình tôi cũng bị chết vì khí thải của nhà máy. Chúng tôi mong muốn sớm được di dời đến nơi ở khác, an toàn hơn”, bà Sen bộc bạch.

Xác nhận những phản ánh của người dân thôn 2, ông Trần Văn Tư - Trưởng thôn 2 khẳng định, hoạt động sản xuất của nhà máy đường An Khê đã ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân thôn 2 gần 20 năm nay. Trong đó, có 21 hộ dân nằm sát sau khu xử lý nước thải của nhà máy bị ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên bởi mùi hôi nước thải, tiếng ồn và khói bụi của nhà máy.

“Người dân vẫn phải gồng lên chịu đựng ô nhiễm môi trường từ hoạt động của nhà máy đường An Khê. Họ cũng đã phản ánh rất nhiều lần. Các ngành chức năng đã nhiều lần xuống kiểm tra, lập biên bản. Nhưng không hiểu sao, kết quả kiểm tra các chỉ số môi trường của nhà máy vẫn luôn nằm trong mức cho phép?!”, ông Tư nói.

Người dân thôn 2, xã Thành An, thị xã An Khê mong muốn sớm được hỗ trợ, di dời đến nơi ở mới

Sớm di dời các hộ bị ảnh hưởng

Trao đổi với Phóng viên, ông Đặng Quốc Hoài Huy - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã An Khê cho hay, định kỳ hoặc đột xuất, chúng tôi đều phối hợp với các ngành chức năng liên quan kiểm tra, lẫy mẫu phân tích các chỉ số môi trường liên quan đến hoạt động sản xuất của nhà máy đường An Khê. Nhà máy cũng đầu tư kinh phí thực hiện quan trắc môi trường và cơ bản đều đảm bảo theo đúng quy chuẩn cho phép. 

“Thời gian sau này, nhà máy có nâng cấp quy mô hoạt động. Quá trình hoạt động có lúc xảy ra sự cố, làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của các hộ dân xung quanh. Mặt khác, việc đánh giá về mùi hôi vẫn chưa có quy định cụ thể nên rất khó để xử lý”, ông Huy thông tin.

Theo ông Huy, chính quyền thị xã An Khê và lãnh đạo Công ty Cổ phần đường Quãng Ngãi đã họp bàn, thống nhất phương án di dời 21 hộ dân sống trong vùng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường của nhà máy đường An Khê. Tuy nhiên, tới nay, Công ty mới chỉ đồng ý đền bù cho 11 hộ nằm cạnh khu xử lý nước thải. Trong đó, có 09 hộ đã di dời, 02 hộ chưa di dời vì cho rằng mức đền bù chưa thỏa đáng.

Ông Trần Văn Tư - Trưởng thôn 2 cho rằng, 10 hộ còn lại không nằm trong kế hoạch hỗ trợ di dời của nhà máy đường An Khê nằm chỉ cách khu xử lý nước thải của nhà máy một con đường rộng 5m. Thực tế, 10 hộ dân này cũng phải chịu tác động ô nhiễm môi trường tương đương với 11 hộ đã được thống nhất di dời.

Về vấn đề này, ông Đặng Quốc Hoài Huy cho biết: “Thị xã An Khê đã nhiều lần làm việc và mới đây nhất, ngày 30/12/2020 đã có văn bản đề nghị Công ty Cổ phần đường Quãng Ngãi sớm có phương án, kế hoạch di dời 10 hộ dân còn lại, cũng bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động của nhà máy đường An Khê. Tuy nhiên đến nay, Công ty vẫn chưa có phản hồi”.

Trước đó, tháng 5/2019, UBND tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định xử phạt Nhà máy đường An Khê số tiền 468 triệu đồng vì xả nước thải chưa xử lý ra môi trường. Trong đó, xử phạt 260 triệu đồng đối với thông số COD vượt quy chuẩn và 208 triệu đồng còn lại là mức xử phạt tăng thêm đối với các thông số vượt quy chuẩn từ 1,1 đến dưới 1,5 lần và từ 1,5 đến dưới 2,0 lần.

Quế Mai