Quảng Nam: Xót xa đứng nhìn đất nông nghiệp trôi theo dòng nước
Tài nguyên - Ngày đăng : 12:00, 30/03/2021
Dân mất đất canh tác
Nhiều năm trở lại đây, tình trạng sạt lở đất ven sông Bình Phước diễn ra thường xuyên. Người dân không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng chục ha đất nông nghiệp đã bị “nuốt chửng”. Bà Phạm Thị Vân (58 tuổi, trú thôn Lạc Thành Đông) cho biết, tình trạng sạt lở đã kéo dài hơn 10 năm qua. Diện tích đất sản xuất của người dân dọc hai bờ sông giảm mạnh qua từng mùa mưa lũ.
Hàng chục ha đất nông nghiệp màu mỡ bị sạt lở nghiêm trọng là thực trạng đang diễn ra tại sông Bình Phước |
“Gia đình tôi có 2 sào đất hoa màu ở khu vực này, nhưng vào mùa mưa năm 2020, bờ sông Bình Phước sạt lở ăn sâu vào đất hoa màu của tôi gần 2-3 mét. Xót xa lắm mà không biết làm sao. Với tình trạng này vài ba năm nữa người dân không còn đất mà sản xuất” – bà Vân buồn bã.
Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Nga (45 tuổi, trú thôn Lạc Thành Đông) cho biết, vợ chồng bà dựng lán trại gần bờ để tiện cho việc chăn nuôi, sản xuất nhưng nhưng giờ cũng bị sạt lở chỉ cách khoảng nửa mét, đang chờ… sập. Theo bà Nga, chừng 10 năm trước, gia đình bà có khoảng 6 sào đất để canh tác nhưng do sạt lở nhiều lần nay chỉ còn lại 2 sào. Đợt lũ lụt vừa rồi diện tích đất sản xuất của bà Nga cũng bị sạt lở hơn 2 mét và tạo thành hàm ếch.
Sạt lở ăn sâu vào đất canh tác hoa màu của người dân địa phương, tạo thành hàm ếch với vách dựng đứng cao khoảng 3 mét. |
"Tôi và nhiều người dân khác đã báo cáo lên chính quyền xã Điện Hồng, nhưng đến nay vẫn chưa thấy các ngành chức năng có biện pháp giảm nguy cơ sạt lở đất canh tác cho bà con"- bà Nga cho hay.
Qua ghi nhận của chúng tôi, gần 1km bờ sông Bình Phước, đoạn chảy qua xã Điện Hồng đang bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất canh tác hoa màu của người dân địa phương, tạo thành hàm ếch với vách dựng đứng cao khoảng 3 mét.
Nan giải vấn đề kinh phí
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Hồng cho biết, tình trạng sạt lở ven sông này đã xảy ra trong 20 năm qua, ăn sâu vào trong bờ khoảng 700m, di dời khoảng 50 hộ dân ở thôn Lạc Thành Đông vào bên trong. Từ năm 1999 đến nay đã có khoảng 25 ha đất hoa màu của nhân dân bị sụp đổ xuống sông, trung bình mỗi năm sạt lở vào trong bờ từ 5 đến 10 mét. Ngoài ra, thôn Lạc Thành Tây của xã cũng bị sạt lở với tổng chiều dài lên đến hàng trăm mét
“Hiện tại khu vực đất sản xuất hoa màu của bà con xã Điện Hồng ở khu vực dọc bờ sông này có khoảng 70 ha. Trước tình trạng này, xã đã kiến nghị lên thị xã Điện Bàn nhưng chưa thấy bố trí kinh phí. Hiện giờ lo nhất là khoảng gần 3.000 ngôi mộ khu vực đó và trụ điện đường dây 500KV (cách bờ sông Bình Phước 50 mét) có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa bão sắp tới.”, ông Nguyễn Văn Hồng nói.
Lý giải nguyên nhân xuất hiện nhiều điểm sạt lở trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do mùa mưa, nước lũ trên sông dâng cao, chảy xiết gây xói lở dọc hai bờ sông và kết cấu tầng đất dưới chủ yếu là đất cát, khi mực nước lũ trên thượng nguồn chảy về mạnh gây sạt lở.
Nếu không có những giải pháp kịp thời thì không chỉ đất sản xuất mà nhiều công trình của người dân bị cũng sẽ bị “nuốt chửng” trôi sông. |
Theo ông Nguyễn Đức Chơi, khó khăn lớn nhất hiện nay là về kinh phí. Bởi để kè kiên cố chống sạt lở thì phải mất hơn 35 tỷ đồng/km, với nguồn kinh phí này đối với thị xã Điện Bàn là hết sức khó khăn.
“Trong những năm qua, tại các điểm sạt lở nhẹ thì thị xã Điện Bàn cũng khắc phục tạm, bên cạnh đó, lãnh đạo thị xã cũng làm văn bản gửi cho UBND tỉnh Quảng Nam rồi tỉnh gửi ra Trung ương nhưng đến nay vẫn rất khó. Ước tính nếu kè cứng kiến cố toàn bộ điểm sạt lở trên địa bàn thị xã phải cần khoảng 1.000 tỷ đồng. Với kinh phí lớn này, thị xã chỉ biết kiến nghị Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam tham mưu UBND tỉnh để trình Trung ương hỗ trợ"- ông Chơi nói.