Hội An: Tái chế rác nhựa vì một điểm đến xanh

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 22:24, 29/03/2021

(TN&MT) - TP. Hội An (Quảng Nam) là “điểm sáng” trong tiên phong thực hiện các hoạt động, dự án bảo vệ môi trường. Trong đó, dự án “ReForm Plastic” với việc biến rác thải nhựa trở thành tài nguyên đang mở ra cơ hội, triển vọng giải quyết bài toán rác thải nhựa, xây dựng điểm đến xanh cho thành phố du lịch này.

Biến rác… thành bàn, ghế

Nhận thấy đô thị cổ Hội An đang chịu nhiều “áp lực” bởi rác thải, nhất là rác nhựa từ các hoạt động du lịch, Evergreen Labs đề xuất ý tưởng triển khai dự án “ReForm Plastic” thí điểm tái chế các loại nhựa đã qua sử dụng không còn giá trị như nhựa sử dụng 1 lần (túi nilon, ống hút, ly nhựa…), hộp sữa, thùng xốp, các vật liệu có chứa nhựa….. Dự án đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía chính quyền địa phương. Đây là một bước quan trọng để giải quyết bài toán rác thải nhựa, đưa Hội An hướng tới trở thành thành phố du lịch xanh. 

Đầu vào của dự án ReForm là các loại nhựa đã qua sử dụng không còn giá trị (nhựa sử dụng 1 lần, thùng xốp...)

Nhà máy ReForm được hình thành từ sự chung sức, nỗ lực của nhiều bên. Evergreen Labs, IUCN, và 2 đối tác khác đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất khoảng 100.000 USD, trong đó, Evergreen Labs làm công tác nghiên cứu chính.

Nhà máy hoạt động trên nguyên tắc đầu vào là rác thải nhựa, đầu ra là vật liệu tái chế. Hoạt động sản xuất của nhà máy có các công đoạn chính bao gồm: Phân loại rác nhựa đầu vào, làm sạch, cắt nhỏ - sấy khô, ép thành tấm nhựa (ở nhiệt độ 150 – 200 độ C, mỗi tấm nhựa mất 20 – 40 phút để ép), để nguội – ép khuôn.

Các sản phẩm nhựa sau khi tái chế sẽ là những tấm nhựa có khổ lớn, bề mặt nhám, không đồng nhất màu sắc (do đầu vào rác thải nhựa có nhiều màu khác nhau). Các công đoạn tái chế rác thải nhựa đã được kiểm định đảm bảo tiêu chuẩn quy định, an toàn cho người lao động.

Ông Jan Zellmann – Đồng sáng lập dự án cho biết công suất thiết kế của nhà máy xử lý được khoảng 1.000 tấn rác thải nhựa đầu vào mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay, nhà máy mới xử lý khoảng 1 – 2 tấn rác thải nhựa mỗi ngày, và có ngày không sản xuất do nguồn đầu vào chưa ổn định. Do đó, vấn đề cần giải quyết hiện nay của nhà máy là nguyên liệu đầu vào.  “Hiện tại, dự án nhận được sự quan tâm của rất nhiều khách hàng lớn nhưng do hụt đầu vào chúng tôi không thể đảm bảo sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường” - Ông Jan Zellmann cho hay.

Rác thải nhựa sau khi được cắt nhỏ, sấy khoo

Hiện tại, ReForm đang tự thu gom rác thải nhựa tại một số nhà máy rác tại Hội An, cũng như có chương trình kết nối với các trường học, khách sạn thu gom rác thải nhựa. Điều đáng mừng là các sản phẩm nhựa tái chế của ReForm đang nhận được sự đón nhận tích cực của cộng đồng, nhất là các sản phẩm thùng rác, kệ trồng cây.

“Việc đầu tư nhà máy sẽ chỉ còn khoảng 80.000 USD do công tác nghiên cứu đã được ReForm hoàn thiện. Cùng với đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương sẽ ưu tiên mua vật liệu tái chế nhiều hơn. Chỉ cần như vậy đã giúp ngành công nghiệp tái chế phát triển, không nhất thiết là phải sản phẩm của ReForm”, ông Jan Zellmann bày tỏ.

Triển vọng giải quyết bài toán rác thải nhựa tại Hội An

Những năm gần đây sự phát triển của du lịch đang gây “áp lực” cho chính quyền thành phố Hội An. Ở trạng thái bình thường trước dịch, trung bình mỗi ngày, Công ty Môi trường Hội An thu gom từ 110 – 130 tấn/ngày (thời điểm năm 2019). Trong đó, có đến 30% là rác thải nhựa không bán được (nhựa dùng một lần, thùng xốp, hộp sữa, túi nilon….). Khi lượng rác về nhà máy sau khi phân loại thì việc xử lý rác thải nhựa còn lúng túng, bãi rác Hội An hiện đã quá tải không thể chôn lấp.

Mẫu các sản phẩm tấm ván nhựa ReForm làm từ rác thải nhựa

Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An – ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, ReForm là dự án phù hợp với điều kiện xử lý rác thải của Hội An. Theo ông Hùng, quy trình sản xuất của ReForm từ lúc phân loại rác đến khi cho ra sản phẩm đầu cuối trong thực tế đã chứng minh được “Rác hoàn toàn có thể trở thành tài nguyên” nếu biết kiểm soát, quản trị và tìm ra hướng để giải quyết vấn đề.

“Hiện mục tiêu của Hội An là giảm rác thải nhựa càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, khi chưa giảm được rác nhựa thì chúng ta có thể kéo dài vòng đời của các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng (không bán được) thông qua tái chế để trở thành sản phẩm thứ 2. Từ ống hút, vỏ hộp sữa, thùng xốp, túi nilon dùng một lần qua tái chế thì trở thành thùng đựng rác, bàn ghế, tấm lợp, vách ngăn….rất nhiều công năng. Đó là một hướng giải quyết rác thải nhựa rất khả thi” – ông Hùng cho hay.

Bàn, ghế được làm từ rác thải nhựa của dự án ReForm

Theo ông Phạm Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng cho biết, hiện nay đơn vị đang nghiên cứu để kết hợp với ReForm xử lý rác thải du lịch, cụ thể là tại các khách sạn trên địa bàn TP. Hội An.

“Hiện đã có khoảng 30 doanh nghiệp đăng ký chương trình. Tại các khách sạn đó, những rác thải nhựa nào có thể tái chế thì khách sạn tự làm, còn những rác thải nhựa như bao nilon, đồ nhựa dùng một lần, bao bì có lẫn nhựa… không tái chế được thì gom lại để kết hợp đưa xuống Reform để xử lý, tuần hoàn toàn bộ rác thải nhựa. Sau khi rác thải nhựa được xử lý và ra sản phẩm mới (tấm ván ép nhựa), có thể một số khách sạn sẽ quay trở lại đặt hàng những sản phẩm tái chế đó. ”- ông Thanh cho hay.

Lan Anh