Thừa Thiên Huế: Các dự án “gặp khó” vì thiếu đất san lấp
Tài nguyên - Ngày đăng : 14:16, 29/03/2021
Thiếu đất trầm trọng
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn đi qua Thừa Thiên Huế là một trong những dự án lớn và quan trọng của quốc gia. Theo đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, ngay sau Tết, các nhà thầu đã ra quân đồng loạt thi công dự án. Tuy nhiên, thiếu nguồn đất san lấp nên việc điều phối nguồn đất giữa các gói thầu trên tuyến khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ.
Các dự án lớn ở Huế trong đó có dự án Cam Lộ - La Sơn thiếu đất san lấp trầm trọng |
Ông Nguyễn Vũ Quý - Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án thông tin, để thi công các gói thầu trên tuyến, tổng khối lượng đào, đắp rất lớn, khoảng 16 triệu m3; trong đó đắp gần 6 triệu m3. Khó khăn hiện nay là thiếu hàng triệu m3 đất san lấp phục vụ thi công dự án.
“Hiện tại dự án này thiếu khoảng hơn 2 triệu m3 đất san lấp, nhất là tại các gói thầu thuộc những đoạn đường đi qua vùng đồng bằng cần khối lượng đất san lấp lớn. Giải pháp trước mắt là điều phối hài hòa nguồn đất giữa các gói thầu đang được chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị thi công tích cực triển khai. Tuy nhiên, nhiều vị trí quá xa điểm thi công, không kinh tế nên chủ đầu tư phải mua đất tại mỏ đất của địa phương”, ông Quý nói.
Theo đại diện Công ty CP Đầu tư xây dựng Đèo Cả (đơn vị thi công gói thầu số 6) cho biết, công ty đảm nhiệm thi công khoảng hơn 1km trên đoạn tuyến qua địa bàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền). Hiện nay, các gói thầu số 5 và 6 đang thiếu hơn 1 triệu m3 đất san lấp, trong khi chuyển từ gói thầu số 3 và 4 (Phong Mỹ, Phong Điền) qua mới khoảng 200 nghìn m3. Hiện, đường công vụ nội tuyến vẫn chưa xong nên các đơn vị thi công phải tận dụng các tuyến tỉnh lộ để vận chuyển đất gây nhiều bất cập...
Các mỏ đất ở Huế không đủ công suất |
Được biết, ngoài dự án trên, các dự án lớn tại Huế như dự án mở rộng nhà ga T2 sân bay Phú Bài, Khu hành chính tập trung tỉnh (tại khu đô thị mới An Vân Dương), hạ tầng các khu định cư ở phía Bắc Hương Sơ thuộc đề án di dời dân cư khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế phải cần vài triệu m3 đất san lấp...
Gỡ “nút thắt”
Hiện nay tại Thừa Thiên Huế đang có 14 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp với diện tích 83,37ha, tổng trữ lượng khai thác là 6,6 triệu m3, công suất khai thác là 710.000m3/năm và 10 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp được khai thác từ đất tầng phủ mỏ đá, khoáng sản phát sinh dôi dư từ dự án thi công công trình với tổng khối lượng là 349.374m3. Như vậy, khả năng cung cấp đất làm vật liệu san lấp hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng 1 triệu m3/năm.
Vừa qua, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh tìm kiếm, bổ sung đất có tính chất phù hợp cho công trình cao tốc Cam Lộ - La Sơn thông qua bổ sung quy hoạch một số khu vực đất làm vật liệu san lấp ở đồi Động Đá (xã Phong Thu, huyện Phong Điền), đất ở thôn 4 (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy)… Đồng thời, UBND tỉnh cho phép 3 mỏ đất đã được cấp phép là mỏ đất Phường Hóp, mỏ đất đồi Khe Quan, mỏ đất đồi Trốc Voi khai thác tăng công suất.
Các mỏ mới đã được cấp và mở rộng khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu đất san lấp trong thời gian tới |
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thống nhất chủ trương cho nâng công suất khai thác tối đa khối lượng tại các mỏ đáp ứng các điều kiện, thủ tục quy định và đảm bảo nhu cầu, khối lượng đất đắp (bao gồm cả đất san lấp và đất đắp nền đường) phục vụ các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giao Sở TN&MT khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu, có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các chủ trương theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Hoàn chỉnh thủ tục và tổ chức lựa chọn theo tiêu chí để cấp giấy phép thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản phục vụ dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Đại Lân, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên - Sở TN&MT Thừa Thiên Huế cho rằng, theo các quyết định tỉnh đã phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, trữ lượng đất san lấp có khả năng chủ động cung cấp. Với trữ lượng các khu vực lựa chọn và khu vực đấu giá, nguồn đất làm vật liệu san lấp sẽ đi vào ổn định.
“Trường hợp các dự án phát sinh mới có nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp thì chủ đầu tư dự án phải cung cấp thông tin trong giai đoạn nghiên cứu, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án về nhu cầu đất san lấp gửi UBND tỉnh, Sở TN&MT để có cơ sở phân bổ hoặc quy hoạch bổ sung...”, ông Lân chia sẻ.