Tiên Du (Bắc Ninh): Nhiều trạm trộn bê tông xả thải gây ô nhiễm, chính quyền né tránh báo chí

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 13:27, 29/03/2021

(TN&MT) - Nhiều trạm trộn bê tông tại xã Tri Phương nằm ngoài đê sông Đuống xả thải gây ô nhiễm môi trường, tập kết VLXD vi phạm không gian thoát lũ; Dự án “Điểm dân cư nông thôn” tại xã Phú Lâm chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đã đưa ra đấu giá… là những sai phạm đang diễn ra tại huyện Tiên Du. Thay vì cung cấp thông tin để có cái nhìn khách quan, chính quyền huyện này lại có biểu hiện né tránh, “bưng bít” thông tin...

Thời gian qua, người dân tại xã Cảnh Hưng, xã Minh Đạo, xã Tri Phương (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) liên tục phản ánh tới Báo Tài nguyên và Môi trường về việc hàng loạt các trạm trộn bê tông nằm phía ngoài đê sông Đuống ngày đêm hoạt động, xả thải gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; xe quá khổ, quá tải chở bê tông, VLXD quần nát tuyến đê sông; bê tông thừa không được thu gom, xử lý mà đổ thẳng ra môi trường, ra chân đê…gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Loạt trạm trộn bê tông phía ngoài đê sông Đuống có biểu hiện xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Ông N.H.A người dân xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh chỉ tay về phía bãi bồi ngoài đê sông Đuống và cho biết: “Chỉ có khoảng vài km ngoài đê thế này thôi mà có tới hơn 10 trạm trộn bê tông được xây dựng, bãi bồi ngày xưa người dân trồng cây cối, hoa màu giờ đây đã bị phá bỏ hết cả. Các trạm trộn tại đây không đảm bảo môi trường, hằng ngày xe quá khổ, quá tải hoành hành trên đê dù đã được giới hạn tải trọng. Xe đi về thì đổ ngay bê tông thừa ra môi trường ngay cạnh chân đê. Nước rửa bồn xe không được thu gom, xử lý mà xả thẳng ra môi trường, chảy xuống sông Đuống chứ không được lọc qua bể lắng”, ông A. cho biết.

Việc các bãi tập kết VLXD không được che chắn gây bụi, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

Nước thải từ quá trình sản xuất bê tông được xả thẳng xuống sông Đuống.

Cùng chung nỗi bức xúc, ông L.V.Q người dân tại xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, cũng cho biết: “Các trạm trộn bê tong tại đây hoạt động ngày đêm, những bãi tập kết vật liệu ngoài đê được chất cao như núi, không được che chắn cẩn thận gây bụi vào khu dân cư. Hằng ngày, xe quá khổ, quá tải, xe chở bê tông len lỏi vào đường làng, ngõ xóm gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người dân tại các xã nằm ven đê sông Đuống”, ông Q. bức xúc nói.

Bê tông thừa được đổ ngay xuống chân đê.

Rác thải, chất thải nguy hại được vứt bừa bãi tại phía ngoài đê sông.

Từ những phản ánh của người dân, theo ghi nhận của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, dọc tuyến đê sông Đuống qua các xã Tri Phương, Cảnh Hưng, Minh Đạo… trong chỉ khoảng vài km nhưng có tới hàng chục trạm trộn bê tông hoạt động. Nơi đây giống như một “thiên đường” của trạm trộn bê tông, các bãi tập kết VLXD, các nhà xưởng xây dựng trái phép, xe quá khổ, quá tải lộng hành cày nát tuyến đê.

Cũng theo ghi nhận, ngoài tuyến đê sông Đuống có trạm trộn của các Công ty Việt Xô, An Phúc, Việt Nhật, Hợp Thành, Thịnh Cường, Việt Sinh, THS, Á Châu, Chèm, Công ty xây dựng tri Phương, Công ty TNHH Nam Đạt, Công ty xí nghiệp bê tông miền Bắc, Công ty TNHH Hợp Hoàn, HTX Long Sơn, Công ty Nam Hồng… đang hoạt động rầm rộ, nước thải bê tông chảy tràn lan ra môi trường, nước rửa bồn xe được xả thẳng xuống sông Đuống, bê tông thừa được đổ ngay ra phía ngoài chân đê, chất thải nguy hại, rác thải được tập kết ngay trên hành lang thoát lũ. Xe quá khổ, quá tải, xe bồn chở bê tông hoành hành trên tuyến đê, xe đi tới đâu là kéo theo bụi tới đó. Dọc các tuyến đường từ đê sông Đuống vào các trạm trộn nhớp nháp, bẩn thỉu, ô nhiễm môi trường.

Nhiều nhà xưởng mọc lên trên đất bãi bồi.

Xe chở bê tông có biểu hiện quá khổ, quá tải vô tư chạy trên đê sau đó luồn lách qua đường làng, ngõ xóm.

Trước sự việc trên, trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Vũ Quang Thiệu, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Phương thừa nhận: Việc các trạm trộn tại đây trong quá trình hoạt động có xả thải gây ô nhiễm môi trường, có hiện tượng xe quá khổ, quá tải chạy trên đê, len lỏi qua các đường làng ngõ xóm gây bức xúc trong nhân dân.

“Tại các kỳ tiếp xúc cử tri, người dân tại xã cũng ý kiến rất nhiều về việc các trạm trộn này trong quá trình hoạt động, xả thải gây ô nhiễm môi trường. Liên quan đến việc bê tông thừa được đổ thẳng ra chân đê và nước thải rửa bồn đổ xuống sông gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới giao thông, chính quyền xã đã mời các đơn vị lên để làm việc nhưng đến nay thì vẫn còn đang tồn tại nhiều hạn chế. Quan điểm của chính quyền địa phương, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, hạt đê điều là có xử phạt, phạt tích cực đối với những vi phạm của các trạm trộn này”, ông Thiệu cho biết.

Liên quan đến việc hàng loạt trạm trộn tại huyện Tiên Du trong quá trình hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường, và tập kết vật liệu ngoài đê sông trước mùa mưa lũ; việc người dân tố cáo chủ đầu tư dự án “Điểm dân cư nông thôn, đất đấu giá QSDĐ tạo vốn xây dựng nông thôn mới và đất ở tái định cư mở rộng đường tỉnh 276 xã Phú Lâm, huyện Tiên Du” do UBND xã Phú Lâm làm chủ đầu tư nhiều năm không hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, không có điện, nước… nhưng đã đưa ra đấu giá đất khiến người dân khốn khổ.

Dự án tại xã Phú Lâm chưa hoàn thiện nhưng đã đấu giá QSDĐ, người dân đã nộp đủ tiền nhưng đến nay dự án lại bị "đắp chiếu".

PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Tiên Du để có thông tin, tuyên truyền những giải pháp mà huyện sẽ tiến hành thực hiện. Tuy nhiên, sau một tuần đặt lịch làm việc, PV quay trở lại và gặp ông Nguyễn Đại Đồng, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, qua trao đổi sự việc, ông Đồng không thông tin bất cứ nội dung gì và lý do “bận đi họp”, sau đó yêu cầu PV xuống làm việc với ông Ngô Xuân Tính – Chánh văn phòng UBND huyện để tiếp tục đặt lịch cũng như phân công làm việc tới các phòng chuyên môn.

Hạ tầng chưa được đồng bộ nên người dân phải tự bỏ tiền ra kéo điện về để sử dụng.

Tại phòng làm việc của ông Tính, cửa vẫn mở, điện vẫn sáng nhưng sau hơn 30 phút chờ đợi, ông Tính vẫn không có mặt tại phòng làm việc, Phóng viên đã gọi điện thoại liên hệ. Tuy nhiên, qua điện thoại ông Tính luôn lý do rằng “bận đi họp” và không sắp xếp được lịch. Sau khi phóng viên trao đổi rằng đã liên hệ với Chủ tịch UBND huyện và yêu cầu ông bố trí các phòng chuyên môn để làm việc. Lúc này ông Tính bày tỏ thái độ khó chịu, né tránh và buông lời lẽ thiếu văn minh và sau đó cúp máy.

Lối vào khu dự án chưa được hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đường, gạch đá ngổn ngang, bẩn thỉu, nhếch nhác.

Trước đó, ngày 22/3, Báo Tài nguyên và Môi trường cũng đã có bài viết: “Tiên Du (Bắc Ninh): Đấu giá đất khi chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, người dân khốn khổ” phản ánh việc thời gian qua, người dân thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du liên tục gửi đơn phản ánh tới các cơ quan chức năng tố cáo chủ đầu tư dự án “Điểm dân cư nông thôn, đất đấu giá QSDĐ tạo vốn xây dựng nông thôn mới và đất ở tái định cư mở rộng đường tỉnh 276” nhiều năm không hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, không có điện, nước… nhưng đã đưa ra đấu giá đất khiến người dân khốn khổ.

Theo tìm hiểu, dự án do UBND xã Phú Lâm làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng trên diện tích hơn 10ha; Đơn vị thi công hạ tầng là Công ty TNHH xây dựng Soi Sáng; Đơn vị tổ chức đấu giá QSDĐ là Công ty CP đấu giá Kinh Bắc và trung tâm đấu giá tài sản Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh.

Đến thời điểm hiện tại, dự án đã triển khai được khoảng 10 năm và đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất. Các hộ dân đấu giá quyền sử dụng đất lần cuối tại dự án trên ngày 30/11/2018, hiện tại đã nộp đầy đủ số tiền theo quy định đối với 379 lô đất. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, ngay sau đó dự án lại bị “đắp chiếu” hơn 1 năm qua và không tiếp tục thi công các hạng mục như đường điện, đường nước sinh hoạt, đèn chiếu sáng, vườn hoa cây xanh, nút giao thông, đường giao thông rộng 31m từ trường mầm non Phú Lâm 1 nối với đường TL 276 khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.

Liên quan đến sự việc trên, PV đã nhiều lần liên hệ với bà Ngô Thị Hân, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm để làm rõ những phản ánh của người dân. Tuy nhiên, sau khi đến để làm việc theo đúng lịch hẹn, bà Hân lại viện lý do “bận họp” và không cung cấp thông tin về dự án.

Trước những sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra việc hoạt động của các trạm trộn bê tông đang ngày đêm hoạt động, xả thải gây ô nhiễm môi trường cũng như việc dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật đã đưa ra đấu giá khiến cuộc sống người dân khốn khổ. Bên cạnh đó cũng đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh cần kiểm tra lại việc né tránh, luôn viện lý do “bận họp” để không cung cấp, có biểu hiện “bưng bít” thông tin tới báo chí tại các cấp của huyện Tiên Du.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Việt Linh - Quang Minh