Cần thêm những đại biểu có tâm, có tầm thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân

Trong nước - Ngày đăng : 17:20, 26/03/2021

(TN&MT) - Ngày 26/3, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Quốc hội khóa XIV được cử tri cả nước bầu ra vào ngày 22/5/2016. Trong 5 năm qua, Quốc hội triển khai hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh sau 35 năm đổi mới.

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 26/3

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều tán thành với các nội dung trong dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Các ý kiến đều cho rằng, các dự thảo báo cáo đã đánh giá, phân tích đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về các mặt trong công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội từ những mặt đạt được, mặt còn hạn chế và những bài học kinh nghiệm rút ra để Quốc hội khóa tới hoạt động hiệu quả hơn.

Các đại biểu cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, với vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chủ động trong các hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên thế giới.

Những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại biểu Quốc hội Ngô Sách Thực – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu

Đại biểu Quốc hội Ngô Sách Thực – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đánh giá cao  những thành tựu mà Quốc hội Khóa XIV đạt được, cho rằng Quốc hội Khóa XIV đã chú trọng công tác lập pháp, kịp thời phê chuẩn các hiệp định quốc tế, góp phần đưa đất nước hội nhập. Bên cạnh đó, Quốc hội khóa XIV cũng đã đổi mới, cải tiến về hoạt động giám sát, phương pháp, cách làm hoạt động giám sát ngày càng bài bản, theo hướng chiến lược, lâu dài. Hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có nhiều đổi mới. Các chính sách của Quốc hội khóa XIV đưa ra đều hợp với lòng dân, được người dân và doanh nghiệp đón nhận, được dư luận đánh giá cao. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước ngày càng chặt chẽ.

Nhấn mạnh Quốc hội khóa XIV đã hoạt động rất chất lượng và hiệu quả, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy– Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, thời gian qua Quốc hội đã luôn đổi mới, lắng nghe để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Ngày càng tăng cường sự công khai minh bạch của hoạt động giám sát.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được trong hoạt động lập pháp, một số ý kiến cho rằng, hoạt động lập pháp cũng còn những hạn chế nhất định như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn phải điều chỉnh nhiều; một số dự án, dự thảo được đưa vào chương trình nhưng chính sách chưa rõ, chưa đánh giá tác động sâu sắc; một số báo cáo thẩm tra còn có nội dung chưa thể hiện rõ quan điểm, chưa cung cấp đầy đủ luận cứ phục vụ việc xem xét, lựa chọn phương án đối với vấn đề còn có ý kiến khác nhau…

Góp ý kiến đối với các dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) mong muốn cần sớm khắc phục được tình trạng gửi tài liệu muộn khi xin ý kiến góp ý của đại biểu đối với các dự án luật. Đồng thời, đại biểu đề nghị nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động lấy ý kiến đóng góp trực tuyến, bảo đảm có càng nhiều ý kiến đóng góp của các đối tượng chịu tác động của luật càng tốt.

Trong nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Ngô Sách Thực đề nghị cần tiếp tục lưu ý đến vấn đề chất lượng và số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách có đủ tâm, đủ tầm, đủ năng lực, góp phần tích cực vào công tác xây dựng pháp luật và các hoạt động khác của quốc hội.

Về hoạt động giám sát, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần quan tâm nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tránh tình trạng tham nhũng chính sách. 

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng để tránh tình trạng tham nhũng chính sách, cần phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng khâu phân tích chính sách và lấy ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng chính sách cũng như nâng cao chất lượng thẩm tra và trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo một số đại biểu, hoạt động giám sát vẫn còn những hạn chế như: Hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Việc giám sát chưa toàn diện, nhiều lĩnh vực bị “bỏ ngỏ” như lĩnh vực dân tộc, thiểu số miền núi. Giám sát của Quốc hội, các cơ quan của của Quốc hội chưa được thực hiện ở những việc vụ lớn nổi cộm, bức xúc dư luận; việc giám sát cá nhân của đại biểu Quốc hội chưa được thực hiện nhiều; chưa có cơ chế xác định bổn phận và trách nhiệm và điều kiện thực hiện giám sát của cá nhân. 

Để Quốc hội khóa tới tiếp tục đổi mới, hoạt động hiệu quả hơn nữa, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013; hoàn thiện cơ chế, chính sách dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Để phát huy những hình thức giám sát, nhiệm kỳ tới cần xây dựng Luật Giám sát nhân dân. Đồng thời, quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, thân dân; lắng nghe Nhân dân, phục vụ Nhân dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành trọng trách mà Nhân dân ủy thác; chú trọng việc nghiên cứu tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của cử tri và Nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình.

Toàn cảnh phiên họp sáng 26/3

Cùng với đó, coi trọng, phát huy thế mạnh đặc thù hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong tổng thể hoạt động đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân , cùng hướng tới thúc đẩy tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao uy tín của Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; tiếp thu các kinh nghiệm tốt trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội/Nghị viện các nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan, tổ chức hữu quan nhằm tạo sự chủ động, thống nhất, kịp thời trong triển khai công việc, đạt chất lượng, hiệu quả cao, góp phần giúp Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Hiện đại hóa phương thức hoạt động, khai thác, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, từng bước hình thành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để đổi mới phương pháp, cải thiện tiến độ, chất lượng và hiệu quả các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội; hướng tới xây dựng Quốc hội điện tử. Tổ chức, hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng, cần tăng số lượng, chất lượng của đại biểu chuyên trách, hoàn thiện địa vị pháp lý, chế độ cho đại biểu chuyên trách, lựa chọn đại biểu có tâm, có tầm, đủ tiêu chuẩn, kinh nghiệm, điều kiện hoạt động, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân và khát vọng vươn lên của dân tộc.

Các đại biểu Quốc hội tin tưởng rằng, những thành tựu cùng với truyền thống quý báu của 75 năm Quốc hội sẽ tạo nền tảng quan trọng, vững chắc để Quốc hội khóa XV và Quốc hội các khóa tiếp theo tiếp tục kế thừa, phát huy, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đổi mới, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao các ý kiến thảo luận tâm huyết của các đại biểu Quốc hội; khẳng định Quốc hội Khóa XIV đã để lại những dấu ấn không thể nào quên, để lại nền tảng vững chắc cho Quốc hội khóa XIV cũng như các khóa tiếp theo.

Khương Trung (lược ghi)