Đô thị vùng ĐBSCL: Vẫn khát nước sạch
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 15:27, 25/03/2021
Cấp nước chưa đáp ứng nhu cầu phát triển
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, ĐBSCL có 350 nhà máy cấp nước tập trung với tổng công suất khoảng 1.153.580 m3/ngày, cấp cho các đô thị và một số khu công nghiệp trong vùng, trong đó có 126 nhà máy sử dụng nguồn nước ngầm và 224 nhà máy sử dụng nguồn nước mặt. Các nhà máy nước đô thị khai thác nước mặt có công suất từ vừa đến lớn. Đơn cử như Nhà máy nước Cần Thơ 1 công suất 70.000 m3/ngày, Nhà máy nước Cần Thơ 2 công suất 52.500 m3/ngày. Còn các nhà máy khai thác nước ngầm có công suất vừa phải đa số <10.000 m3/ngày. Chỉ có 5 tỉnh chỉ sử dụng được nguồn nước ngầm phục vụ cấp nước cho các đô thị do nguồn nước mặt bị nhiễm mặn và nhiễm phèn gồm: Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cấp nước đô thị vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị như hiện nay, công nghệ xử lý nước cũng như trang thiết bị cơ, điện của nhiều nhà máy nước còn lạc hậu, thô sơ, do được xây dựng đã tương đối lâu. Tại một số tỉnh, nhiều nhà máy nước hoạt động không sát với công suất thiết kế, làm giảm hiệu quả của hệ thống cấp nước như tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, tổng công suất phát ra mạng tiêu thụ của nhà máy nước chỉ đạt 70% và 54,4% so với tổng công suất thiết kế, trong đó nhiều nhà máy nước chỉ đạt 20 - 30% công suất do không có kinh phí phát triển mạng lưới cấp nước.
Mặc dù từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường của Chính phủ, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, gần đây một số nhà máy nước đã được xây dựng có công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn (TP. Cần Thơ, Cà Mau, Long An…) nhưng mới chủ yếu tập trung xây dựng các nhà máy nước, chưa đầu tư phát triển, nâng cấp đồng bộ mạng lưới, hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu( SCADA)… Do đó, chưa phát huy cao hiệu quả của hệ thống cấp nước hiện hữu.
Bên cạnh đó, hệ thống cấp nước của các tỉnh là hệ thống cấp nước riêng rẽ cho từng đô thị hoặc cụm đô thị trong tỉnh mà chưa có mối liên hệ vùng, không hỗ trợ cấp nước cho nhau trong những trường hợp cần thiết. Hệ thống cấp nước của các đô thị được xây dựng qua nhiều thời kỳ, chắp vá, nhiều đường ống cũ hỏng gây tỷ lệ thất thoát lớn.
Chính quyền hỗ trợ bồn, can chứa nước cho người dân. Ảnh: MH |
Cần đầu tư tuyến ống truyền tải nước ngọt
Theo bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), trước tình hình nhiễm mặn nguồn nước của vùng ĐBSCL, nếu không có những giải pháp kịp thời thì người dân sống giữa vùng sông nước này sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Giai đoạn tới, khu vực này cần thực hiện các giải pháp trữ nước, bảo vệ nguồn nước, đảm bảo an toàn nước sạch.
Bà Hương cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương ĐBSCL và một số tổ chức quốc tế nghiên cứu giải pháp cấp nước sinh hoạt cho vùng ĐBSCL, trong đó có việc xem xét khả năng đầu tư xây dựng các hệ thống cấp nước sạch tập trung liên vùng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, hệ thống cấp nước sạch tập trung liên vùng có ưu điểm về mặt phương án kỹ thuật nhưng chi phí đầu tư xây dựng và mức giá nước sạch dự kiến sẽ rất lớn. Ở thời điểm hiện tại, việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hệ thống này là chưa khả thi về mặt tài chính và khả năng chi trả của người dân.
Để đảm bảo an toàn nguồn nước và hạ tầng cấp nước ổn định, UBND các tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre cũng đã nghiên cứu giải pháp truyền dẫn nước thô từ thượng nguồn sông Tiền cho các nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch dọc tuyến trên địa bàn 3 tỉnh, đồng thời từng bước thay thế nguồn nước ngầm hiện đang suy giảm về trữ lượng và chất lượng. Qua nghiên cứu, 3 tỉnh đã thống nhất trình Chính Phủ phê duyệt Dự án “Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải” cung cấp nguồn nước thô cho các nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch trên địa bàn 3 tỉnh. Công suất giai đoạn 1 (năm 2020 - 2021) là 300.000 m3/ngđ, giai đoạn 2 (năm 2024 - 2025) là 500.000 m3/ngđ. Hiện Dự án này đang trình Chính phủ phê duyệt.
Do tính chất cấp bách về bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần thiết đầu tư tuyến ống truyền tải, còn nhà đầu tư thì đầu tư nhà máy cấp nước và trạm bơm tăng áp. Về lâu dài, các ngành hữu quan cần nghiên cứu giải pháp đắp đập giữ ngọt, phòng, chống xâm nhập mặn trên các tuyến sông ngòi vùng ĐBSCL nhằm giải quyết căn cơ bài toán thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển bền vững.