Thành phố ở Indonesia có thể bị xóa sổ vào năm 2036 do sụt lún, biển xâm thực
Thế giới - Ngày đăng : 17:50, 19/03/2021
Những ngôi nhà bị bỏ hoang ở làng Dukuh Semonet thuộc Pekalongan, Indonesia. Ảnh: Nivell Rayda |
Hồi tháng 12/2015, một trận triều cường mạnh ập đến làng Dukuh Semonet trên bờ biển phía Bắc Java, Indonesia - gây xói mòn nghiêm trọng, cuốn trôi hàng chục ngôi nhà. Trong đó, một số gia đình buộc phải từ bỏ những ngôi nhà đã chìm trong biển nước và di dời đến nơi khác.
Sống cách biển vài trăm mét, trong nhiều tháng nay, bà Casmonah cũng như dân làng không thể ngủ ngon do gió mạnh, sóng lớn kéo theo sụt lún nhấn chìm ngôi làng mỗi ngày. “Nhà tôi ngày nào cũng ngập và xảy ra bất cứ lúc nào. Khi triều cường lên, toàn bộ ngôi nhà bị nhấn chìm, kể cả phòng ngủ của tôi. Mỗi đêm, chúng tôi đều mất ngủ và chỉ có thể ngồi ngoài hiên cả đêm. Việc chuyển đi nơi khác là không thể vì khắp nơi đều ngập, kể cả những cây cầu”, bà Casmonah chia sẻ với CNA.
Ngập lụt không chỉ xảy ra ở làng Dukuh Semonet. Tại thành phố Pekalongan với diện tích 46km2, hàng chục khu dân cư phải đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm khi nước mặn đổ vào đất liền đến 1,5km. Thành phố Pekalongan này cũng đang phải chạy đua với thời gian khi các nhà khoa học dự báo 80-100% diện tích thành phố sẽ nằm dưới mực nước biển trong 15 năm tới.
Tình hình trên xảy ra là do việc khai thác nước ngầm cho sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp Batik - tạo ra các tấm vải bằng kỹ thuật nhuộm sáp và in các hoa văn thủ công. Ngoài ra, khai thác nước ngầm quá mức đã khiến thành phố này bị nhấn chìm từ 10cm - 15cm mỗi năm, thậm chí, một số nơi còn lên đến 26cm mỗi năm.
Theo giới chuyên gia, từ năm 2010, quá trình sụt lún đất ở thành phố Pekalongan ngày càng gia tăng khi chính quyền địa phương khuyến khích người dân khai thác nước ngầm quy mô lớn, khiến 1/3 thành phố hiện nằm dưới mực nước biển.
Hơn nữa, biến đổi khí hậu gây ra thời tiết cực đoan như mưa lớn, gió mạnh, sóng cao và nước biển dâng. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu không ngăn chặn kịp thời tình trạng sụt lún đất trên diện rộng và biển xâm thực toàn bộ thành phố với 290.000 cư dân này sẽ bị xóa sổ vào năm 2036.
Để ngăn chặn việc khai thác nước ngầm, thành phố đã có kế hoạch xây dựng con đê biển lớn để bảo vệ cư dân. Hệ thống phòng thủ ven biển sẽ bao gồm xây dựng trạm bơm tại cửa sông Loji, tuyến đường thủy lớn nhất và dễ xảy ra ngập lụt nhất thành phố.
Đồng thời, thành phố cũng lên kế hoạch xây dựng các hồ chứa và mạng lưới đường ống phức tạp để phân phối nước ngọt. Người dân sống ở các khu vực ngập lụt cũng sẽ được di dời đến nơi ở mới. Tuy vậy, những kế hoạch trên đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ, trong khi chính quyền Trung ương và địa phương đang tập trung chống dịch COVID-19.