Sửa đổi quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 17:47, 19/03/2021
Bà Bùi Thị Minh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết ,thực hiện Luật Sửa đổi một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 và các Văn bản hướng dẫn thi hành trong đó giao các Bộ, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung, thay thế bảo đảm phù hợp với Luật Giám định tư pháp năm 2020.
Thực hiện nhiệm vụ này, Vụ đã tham mưu, trình lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định thành lập Tổ soạn thảo Thông tư quy định về giám định tự pháp trong lĩnh vực TN&MT; Công văn đề nghị các đơn vị thuộc Bộ đóng góp ý kiến với Dự thảo Thông tư.
Theo bà Bùi Thị Minh Thủy, liên quan tới nội dung giám định tư pháp trong lĩnh vực TN&MT, trước đây, Bộ đã ban hành 2 Thông tư số 44/2014/TT-BTNMT ngày 1/8/2014 quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực TN&MT và Thông tư 45/2014-TT-BTNMT ngày 1/8/2014 quy định về hồ sơ giám định tư pháp và mẫu giám định tư pháp trong lĩnh vực TN&MT.
Quang cảnh buổi làm việc |
Tuy vậy, Luật Giám định tư pháp năm 2020 đã sửa đổi một số quy định liên quan đến các nội dung này, mặt khác trong quá trình thực hiện có một số nội dung cần quy định cụ thể hơn để phù hợp với yêu cầu.
Dự thảo Thông tư quy định giám định tư pháp về TN&MT quy định về thẩm quyền, tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; cấp thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực TN&MT. Bên cạnh đó, quy định về công nhận, hủy bỏ, đăng tải danh sách người giám định viên tư pháp theo vụ việc và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; quy chuẩn chuyên môn; quy trình thực hiện giám định tư pháp. Ngoài ra, quy định giám định bổ sung, giám định lại, chi phí giám định và chế độ bồi dưỡng giám định.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cơ bản nhất trí với Dự thảo Thông tư do Vụ Pháp chế xây dựng, đồng thời, tập trung thảo luận về các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giám định tư pháp và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Nhiều đại biểu đề nghị, cần quy định cụ thể chế độ bồi dưỡng giám định, kinh phí giám định tư pháp; quy định cụ thể trường hợp cá nhân giám định hay tổ chức giám định…
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị, Vụ Pháp chế tập trung tiếp thu ý kiến của các đại biểu đề hoàn thiện Dự thảo Thông tư, nhất là về trình tự, quy trình thực hiện giám định tư pháp, kinh phí giám định tư pháp…