Thực hiện quy hoạch phân khu còn lại trong quy hoạch chung Thủ đô: Cần lưu tâm đến những tác động môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 10:51, 18/03/2021
Như vậy, sau gần 10 năm chờ đợi, khu vực nội đô lịch sử sẽ có quy hoạch phân khu, làm căn cứ triển khai tổ chức đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị, vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, vừa thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Quá tải vùng lõi đô thị lịch sử
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26/7/2011 tại Quyết định 1259/QĐ-TTg. Để thực hiện quy hoạch này, Hà Nội có tổng số 38 đồ án quy hoạch phân khu với tổng diện tích khoảng hơn 76.500 ha. Đến nay, 86% số đồ án quy hoạch phân khu đã được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, còn 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử thuộc địa bàn các quận Hoàn Kiếm gồm H1 - 1 (A,B,C); quận Ba Đình là H1 - 2; quận Đống Đa là H1 - 3; quận Hai Bà Trưng là H1 - 4 chưa được phê duyệt. Nguyên nhân được chỉ ra là quy hoạch các phân khu đặc biệt này bị trói buộc bởi nhiều quy định, trong đó có những quy định vượt thẩm quyền của thành phố.
Khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2 là khu vực bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành cổ…
Một góc sông Hồng. |
Mặc dù đã triển khai thực hiện được 86% tổng số quy hoạch phân khu, nhưng những gì diễn ra trong 10 năm qua đã không được như kỳ vọng.
Điểm đầu tiên dễ thấy là tình trạng phát triển quá nhanh của các chung cư cao tầng đã trực tiếp làm gia tăng dân số cục bộ, tạo áp lực lên hạ tầng đô thị, khiến tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị ngày một trầm trọng.
Theo các chuyên gia, 6 quy hoạch phân khu đô thị chậm được phê duyệt là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này, dẫn đến mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất. Gia tăng nhà cao tầng trong vùng lõi nội đô lịch sử là sự phát triển không tương xứng với diện tích đất giao thông nội đô.
Theo Quyết định số 1259, nội đô lịch sử có dân số tính toán là 800.000 người, tổng diện tích khoảng trên 3.800 ha, với chỉ tiêu đất toàn đô thị khoảng 100m2/đầu người. Tuy nhiên, theo các báo cáo, hiện chỉ tiêu diện tích bình quân đất đô thị trên đầu người tại khu vực này chỉ đạt được khoảng 45 m2. Dân số nội đô hiện nay đã lên tới trên 1,3 triệu người. Tình trạng gia tăng dân số làm mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất dẫn đến không đảm bảo về sự phát triển cân bằng giao thông nội đô, không gian công cộng trong đô thị bị thu hẹp, thiếu sân chơi, công viên...
Trong Quy hoạch Hà Nội cũng chỉ rõ, điều chỉnh các chức năng sử dụng đất, di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp ra bên ngoài. Bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cải tạo chỉnh trang kiến trúc đô thị, cảnh quan, tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường sống. Hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người. Những khu đất phải giải phóng, về nguyên tắc là để làm không gian cây xanh, mặt nước, các công trình dịch vụ công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng. Sau khi giải phóng mặt bằng, thành phố phải lập ngay quy hoạch chi tiết, cụ thể với từng miếng đất, lô đất và công bố rộng rãi xin ý kiến cộng đồng dân cư để người dân biết, quyết định trên cơ sở phục vụ cộng đồng.
Thế nhưng, những điều này dường như không mấy được thực thi trong suốt 10 năm qua. Thậm chí, có những “điểm nóng” giao thông cần được giải tỏa về áp lực dân số thì lại được chuyển đổi thành các khối nhà cao tầng, mà Bến xe Lương Yên là một minh chứng.
Cần lưu tâm đến tác động môi trường và chỉnh trị sông Hồng
Báo cáo định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, định hướng 5 năm 2021 - 2025, thành phố xác định hoàn thành việc rà soát, tổng hợp quy hoạch để điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai xây dựng Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, hoàn thành các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh; khớp nối đồng bộ quy hoạch nông thôn và khu vực đô thị; xây dựng, bổ sung các quy chế, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh. Thực hiện triển lãm công bố công khai quy hoạch đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Ngày 25/2/2021, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với cả 6 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Đặc biệt, ngày 10/3, Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000.
Phạm vi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, phía Bắc đến đê tả ngạn và phía Nam đến đê hữu ngạn sông Hồng, chiều dài khoảng 40 km. Trong tổng diện tích nghiên cứu khoảng 11.000 ha, sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông trên 5.400 ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... Dân số liên quan đến quy hoạch từ 280.000 đến 320.000 người.
Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đề xuất 5 bãi sông được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc; Hoàng Mai - Thanh Trì; Chu Phan - Tráng Việt; Đông Dư - Bát Tràng và Kim Lan - Văn Đức. Bãi sông được xây dựng với tỷ lệ 15% là Tàm Xá - Xuân Canh. Các bãi sông này định hướng phát triển thành khu đô thị mới hiện đại, nhà ở sinh thái chất lượng cao; các công trình thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng để giảm thiểu thiệt hại khi có lũ. Các bãi sông còn lại được định hướng không gian mở với các loại hình không gian công viên, quảng trường đô thị, công viên ngập lũ...
Tính chất và chức năng chính của quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là trục không gian cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm. Điều này nghĩa là quy hoạch định hướng phát triển các công trình công cộng, công viên cây xanh, công trình văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô để phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.
Cùng với đó, thành phố sẽ cải tạo, chỉnh trang và tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu trong vùng quy hoạch; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử; đồng thời, khai thác quỹ đất phát triển mới để tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.
Đối với bờ đê hai bên sông Hồng, đồ án quy hoạch nêu rõ "bất khả xâm phạm". Các tuyến đê đoạn qua nội đô được giữ nguyên trạng, đoạn còn lại nâng cấp thành đường chính khu vực với bốn làn xe; quy hoạch hai tuyến đường sáu làn xe chạy dọc hai bên sông.
Mặc dù đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, qua nhiều lần chỉnh sửa, nhưng các chuyên gia cho rằng, vẫn cần nghiên cứu bổ sung một số nội dung như cầu qua sông, phương tiện giao thông thủy, cảnh quan dọc hai bên sông, các bãi sông, đặc biệt là bãi giữa; ý tưởng để khai thác mặt nước sông Hồng, tổ chức cây xanh hai bờ sông và những công trình tạo điểm nhấn.
Đặc biệt, cho đến nay, Đồ án chưa đề cập đến đánh giá tác động môi trường. Bởi lẽ, với sông Hồng, những tác động của nó đến không gian hai bờ sông là rất lớn. Vì thế, cần lưu tâm đặc biệt đến biến đổi dòng chảy để chỉnh trị con sông này và đảm bảo hành lang thoát lũ trong quá trình lựa chọn thế sông ổn định. Ngoài ra, những tác động của biến đổi khí hậu và biến động từ thượng nguồn cũng cần được xem xét thấu đáo.