Lạc Thủy – Hòa Bình: Xe xếp hàng, bốc đất đi bán sang Ninh Bình

Tiếng dân - Ngày đăng : 08:09, 18/03/2021

(TN&MT) - Hàng chục xe tải của các đối tượng sinh sống tại xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương để khai thác đất đồi trái phép, mang sang huyện Nho Quan (Ninh Bình) bán.

Nhiều đối tượng còn lập cả “cầu cảng” trái phép bên sông để hoạt động suốt 1 thời gian dài, bất chấp pháp luật. Đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc “buông lỏng” quản lý này trước khi quá muộn. 

Xe xếp hàng chờ lấy đất

Trong vai một người cần mua đất đi san lấp và làm phụ gia cho các nhà máy xi măng, Phóng viên Báo TN&MT đã theo 1 số người giới thiệu để vào một khai trường ở xóm Rộc Trụ 1, xã Khoan Dụ, nơi đang có khoảng 20 chiếc xe tải lớn nhỏ đang ngày đêm đục khoét đất đồi chở đi. Gặp người đàn ông đang trông coi ở đây, người này cho biết: Mấy cái máy xúc đang làm ở đây là của anh Mạnh (quê Nghệ An). Hàng ngày, máy xúc cứ thỏa mái bốc đất lên cho các đoàn xe chở đi. Còn lái xe chở đi đấu bán là tùy họ, mỗi người ăn 1 công đoạn, người bảo vệ cho hay.

Người bảo vệ và trông coi máy xúc để hỏi phóng viên

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị H, nhà ngay đối diện bãi này cho biết:  Khoảng gần 1 tháng nay, những chiếc xe tải này cứ kìn kìn kéo vào đào xúc đồi keo ra lấy đất chở đi sang Ninh Bình, ra bến tự phát để đổ. Xe chạy rầm rập suốt ngày. Càng chiều tối, chạy càng nhiều. Cả tuyến đường của người dân đi lại rất khó khăn. Bà con gọi những chiếc xe này là “hung thần” xóm, vì họ chạy rất ẩu. Trẻ con không dám để đi chơi ở đường vì sợ tai nạn…Chưa kể lúc mưa, lúc nắng. Tâm trạng của chị H, cũng như một số người dân khác sinh sống trên địa bàn, khi được hỏi, ai cũng bức xúc. Nhưng vì đám khai thác đất này toàn là thành phần "mặt rô" ở địa phương, nên bà con không dám ý kiến, vì sợ bị trả thù. 

Đoàn xe xếp hàng vào xúc đất tại thôn Rộc Trụ 1, xã Khoan Dụ

Quan sát tại hiện trường, phóng viên thấy những tố cáo của người dân địa phương là có cơ sở: Cả một quả đồi lớn đang ngày đêm được đào xới. Hàng vạn khối đất silic, đất đồi vàng được xe ô tô chở đi. Ban ngày cũng như đêm, suốt 1 thời gian dài. Những hôm “bị động” thì đám đất “tặc” này lại giấu xe đi, cất máy ngụy trang. Nhưng cứ thấy cơ quan chức năng vắng bóng, lại thấy máy xúc, ô tô xuất hiện và nhanh chóng bốc đất chở sang Nho Quan tiêu thụ.

Một dân từng "làm đất” nhận định: Mỗi khối đất chở sang Ninh Bình cũng có thể thu được từ 150 –  160 nghìn/m3. Mỗi xe tải khoảng 40 khối chở như vậy, thu về khoảng 5 - 6 triệu đồng, trừ chi phí xăng dầu, công lái, hao mòn xe đi… mỗi chuyến, chủ xe bỏ túi 2-3 triệu đồng/chuyến. Bởi vậy, đám này càng cho xe chạy nhiều, nguồn thu càng lớn.

Khi phóng viên tác nghiệp, đối tượng này đến hỏi han

Chủ tịch xã “lái” sự việc?

Trước tình trạng khai thác đất ồ ạt tại địa phương, Phóng viên đã đến UBND xã Khoan Dụ để liên hệ công tác. Tiếp phóng viên, ông Đinh Công Tiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trên địa bàn xã Khoan Dụ có điểm khai thác đất, nhưng đó là của hộ gia đình ông Bùi Văn Phán, khai thác đất san lấp khi thực hiện việc cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp tại thôn Rộc Trụ 2, xã Khoan Dụ. Rồi ông này dẫn chứng một văn bản tài liệu phô tô, được cho là của UBND tỉnh Hòa Bình ban hành.

Tuy nhiên, đối chiếu với những ý kiến của bà con nhân dân địa phương sinh sống tại đây, thì thực tế “điểm mỏ” khai thác là ở phía bên kia quả đồi, còn bên này quả đồi, không được khai thác, tại sao Chính quyền xã lại buông lỏng, để rồi xe máy mặc sức vào xúc. Thì ông Tiến không lý giải nổi và có vẻ khó chịu.

Ông Đinh Công Tiến, Chủ tịch UBND xã Khoan Dụ

Qua điều tra, phóng viên được biết: ngày 2/10/2020, UBND tỉnh Hòa Bình đã ký quyết định số 51/GP-UBND do ông Bùi Đức Hinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký, cho phép hộ ông Bùi Văn Phán được phép khai thác 65,070 m3 đất bằng phương pháp lộ thiên. Thời gian khai thác kéo dài trong 10 tháng… Tuy nhiên, giấy phép này không nói rõ ông Phán phải nộp bao nhiêu tiền? các điều kiện ghi trong giấy phép chỉ chung chung và có phần “lỏng lẻo”.

Tiếp tục điều tra, phóng viên được biết: nhóm đối tượng đang khai thác phía sườn đồi bên phía đối diện có tên là Thế Anh, Mạnh. Các đối tượng này ăn chia nhau trong công đoạn để xúc, chở ở đây. Điều lạ, đối tượng tên Thế Anh, nhà lại ở ngay thôn Liên Sơn, gần ngay nhà chủ tịch xã Đinh Công Tiến.   

Rộng đường dư luận, Phóng viên đã liên hệ đến ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy. Ông Hải cho biết: Mình đang bận họp và giao nhiệm vụ cho đồng chí Thương, quyền Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, khi liên hệ đến ông Thương, thì ông này lại viện lý do đi xuống xã chưa về. Rồi ông này khoe khoang mối quan hệ với các phóng viên ở đâu đó rồi cúp máy.

Bất chấp có Cảnh sát giao thông đứng gác ở đây. Xe chở đất vẫn chạy và đổ ở cầu cảng tự phát trên địa bàn xã Khoan Dụ

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hà Thị Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Việc UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép cho khai thác đất, thì trước khi họ khai thác, UBND huyện Lạc Thủy và UBND xã Khoan Dụ phải kiểm tra kỹ xem họ đã đóng thuế cho nhà nước chưa. Khai thác cả mấy chục ngàn m3 đất, mà không đóng ký quỹ bảo vệ môi trường là có vấn đề. Chưa kể trên địa bàn có các đội khai thác khác. Vậy trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản của chính quyền địa phương ở đâu. Công an huyện Lạc Thủy ở đâu?

Đã đến lúc  cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cần vào cuộc, kiểm tra ngay những quả đồi đã bị xúc đục chở đi, trước khi quá muộn. 

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh, những chiếc xe chở đất này đang đổ tài nguyên khoáng sản của quốc gia đi đâu…

Đức Hải – Nhật Lam