Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế: “Hy vọng 5 -10 năm nữa Mai vàng Huế sẽ nổi tiếng như Anh đào Nhật Bản”
Xã hội - Ngày đăng : 18:29, 17/03/2021
Thời gian gần đây, phong trào “Mai vàng trước ngõ” được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế phát động và đang dần lan tỏa ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng như người dân.
Vườn mai trước Hoàng thành Huế |
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, Mai vàng là loại hoa nổi tiếng của Việt Nam. Đối với Thừa Thiên Huế, Mai vàng có nguồn gen bản địa đặc hữu thường được gọi là Hoàng mai Huế, được trồng từ lâu đời ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà người dân... tạo nên vẻ đẹp sang trọng, trở thành một biểu tượng sắc xuân của thiên nhiên và con người Huế, gắn liền với đời sống thường nhật của Huế. Tuy nhiên, một thời gian dài, do ảnh hưởng của thiên tai, sự phát triển đô thị, sự mai một dần về giống, kỹ thuật chăm sóc và thiếu định hướng nên ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của loài hoa này tại Thừa Thiên Huế.
Trong vài năm trở lại đây, với quyết tâm khôi phục, phát triển Hoàng mai Huế và sự đồng hành hưởng ứng của người dân, một số vườn mai vàng được quy hoạch và trồng đúng giống Mai vàng Huế và bước đầu đã đem lại kết quả tích cực. Hai vườn Mai vàng thí điểm trước Đại Nội và công viên trên đường Lê Duẩn đã trở nên sang trọng khi Tết đến Xuân về với sắc hoa vàng rực rỡ, tỏa hương thơm thanh khiết, thu hút người dân và du khách đến thưởng lãm.
“Khôi phục việc trồng Mai vàng là một việc làm lâu dài, là trách nhiệm của từng gia đình, cơ quan, đơn vị. Yêu cầu các đơn vị, địa phương quan tâm, có phương án và kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả để Huế xứng đáng là đô thị di sản, cảnh quan, thân thiện với môi trường...”, ông Phan Ngọc Thọ cho biết.
Các cuộc vận động phong trào “Mai vàng trước ngõ” tại Huế đang được diễn ra |
Dự thảo Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam (do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh xây dựng) tập trung vào 7 nhiệm vụ chính. Đó là, phát động phong trào “Mai vàng trước ngõ” nhằm khôi phục truyền thống trồng mai vàng, chơi mai cảnh của người dân, từ đó phát triển phong trào trồng mai vàng gắn với mô hình “Huế - thành phố bốn mùa hoa”, tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái nhân văn truyền thống của vùng đất Cố đô. Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển giống Hoàng mai Huế nhằm xác định thông tin di truyền, hoàn thiện quy trình nhân giống phục vụ phát triển quy mô Hoàng mai Huế đáp ứng nhu cầu phát triển cảnh quan du lịch và kinh tế sinh vật cảnh, kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh. Xây dựng thương hiệu Hoàng mai Huế dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận và hướng đến chỉ dẫn địa lý khi đủ các điều kiện cơ sở khoa học về nguồn gốc xuất xứ và giá trị thương hiệu được khẳng định. Thành lập Hội Hoàng mai Huế để quản lý và phát triển nhãn hiệu, giá trị KT - XH của mai vàng xứ Huế. Xây dựng các tuyến phố, vườn mai, rừng mai có quy mô phù hợp để tạo cảnh quan phục vụ du lịch là điểm đến đặc sắc cho Huế. 100% huyện, thị xã và thành phố Huế xây dựng các tuyến đường, vườn mai. Lựa chọn một số khu vực phù hợp để phát triển thành các làng mai có quy mô tạo điểm nhấn của xứ sở mai vàng Huế. 100% cơ quan, công sở trên địa bàn tỉnh đảm bảo mỹ quan công sở, trong đó chú trọng đến việc bố trí trồng ít nhất 2 cây mai vàng trong khuôn viên.
Theo ông Nguyễn Hữu Vấn - Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Thừa Thiên Huế, những người tâm huyết với cây Mai vàng Huế rất lo nguồn gen gốc Mai vàng Huế sẽ bị lai tạp và mất đi nên bản thân ông và các thành viên Hội sinh vật cảnh rất mừng khi UBND tỉnh có chủ trương khôi phục và phát triển Hoàng Mai Huế.
Ông Phan Ngọc Thọ thăm các hộ dân trồng mai |
“Đây là một chủ trương phù hợp với lòng dân, tôi và các thành viên Hội sinh vật cảnh Thừa Thiên Huế luôn ủng hộ và sẵn sàng giới thiệu các nghệ nhân có kinh nghiệm trong việc trồng mai và nghiên cứu về mai để cùng hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thành công”, ông Vấn nói.
Tham gia góp ý vào dự thảo Đề án, đại diện của các địa phương, đơn vị cho biết để Đề án thành công thì cần phải nghiên cứu, phân tích kỹ đặc trưng của Mai vàng Huế, chọn ra nguồn gen gốc để bảo tồn và nhân giống đầu dòng (bố, mẹ). Mai vàng Huế rất kén không gian sống nên cần có quy hoạch cụ thể các vùng trồng mai cũng như có quy trình trồng, chăm sóc, nhân giống cụ thể; công tác tuyên truyền quảng bá; định hướng phát triển mai Huế, tạo thu nhập cho nông dân và người trồng hoa...
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, việc xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam” là rất cần thiết và có ý nghĩa lớn khi Thừa Thiên Huế đang quyết tâm xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”; đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiếp thu ý kiến tham gia góp ý của các đơn vị để hoàn chỉnh dự thảo Đề án; đặc biệt cần nghiên cứu thấu đáo, khoa học về Mai vàng Huế từ các nguồn tài liệu cũ để lại và đánh giá thực trạng việc trồng mai trên địa bàn tỉnh hiện tại.
Thừa Thiên Huế quyết tâm hướng đến “xử sở Mai vàng” |
Chủ tịch UBND tỉnh giao Trường Đại học Nông lâm Huế phối hợp với Trung tâm Công viên cây xanh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu nhân giống Mai vàng Huế để để chủ động nguồn cung cấp cây giống. Các địa phương tiếp tục triển khai và nhân rộng phong trào "Mai vàng trước ngõ" sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị và người dân gắn với Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng phát động. Nghiên cứu, hình thành các đường mai, vườn mai, rừng mai... tạo các điểm thưởng ngoạn hoa mai tại địa phương.
“Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam là một việc làm lâu dài, kiên trì, là trách nhiệm của từng gia đình, cơ quan, đơn vị. Chúng ta đi nhanh nhưng không vội vàng, hy vọng 5-10 năm nữa Mai vàng Huế sẽ nổi tiếng như hoa Anh đào của Nhật Bản...”, ông Thọ nhấn mạnh.