Hội thảo tham vấn cấp tỉnh về đề xuất Dự án “Tài nguyên nước dưới đất trong vùng châu thổ Mekong”
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 17:51, 16/03/2021
Ông Thân Văn Đón, Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia) đã chủ trì Hội nghị. Tham gia Hội nghị còn có đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa liên hợp quốc (UNESCO Việt Nam), Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội Phụ Nữ, Hội nông dân, Phòng Tài nguyên và môi trường, Phòng Nông nghiệp các huyện của tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Ông Thân Văn Đón, Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia) đã chủ trì Hội nghị. |
Hội thảo tham vấn được tổ chức với mục tiêu tập hợp ý kiến đa chiều của các bên liên quan xoay quanh những kiến thức, hiểu biết của địa phương về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước dưới đất và các giải pháp ứng phó với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước dưới đất. Hội thảo cũng lắng nghe và tiếp thu chọn lọc các ý kiến của lãnh đạo địa phương về mục tiêu, các hợp phần sẽ thực hiện và kết quả đầu ra của dự án.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Thay mặt đơn vị tổng hợp đề xuất dự án, Bà Trần Thị Lan Hương, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc tại Việt Nam trình bày đề cương Dự án “Tài nguyên nước dưới đất trong vùng châu thổ Mê Công: Quản lý hợp tác để tăng cường chống chịu khí hậu”. Đề cương dự án đã được tổ chức UNESCO Việt Nam trình gửi nhà tài trợ (Quỹ Thích ứng), sau nhiều đợt xem xét và yêu cầu chỉnh sửa từ nhà tài trợ đã được cơ bản chấp nhận với yêu cầu bổ sung lần cuối các nội dung liên quan, một trong số đó là ý kiến tham vấn, đóng góp của các bên liên quan (người dân, chính quyền địa phương ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An) cho mục tiêu, các hoạt động và đầu ra của dự án.
Bà Trần Thị Lan Hương, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu |
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang phát biểu tại hội nghị đã thống nhất với mục tiêu, các hoạt động chính và kết quả đầu ra của dự án. Tuy nhiên, theo đại diện Sở TN&MT tỉnh An Giang cần xem xét bổ sung mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất đồng bộ giữa Việt Nam (tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An) và một số tỉnh ở Campuchia để xác định được mối quan hệ giữa nước dưới đất ở 2 nước.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh An Giang phát biểu |
Còn theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, nước dưới đất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh, đặc biệt trong việc khai thác nước dưới đất cung cấp cho sinh hoạt, công nghiệp. Vì hiện tại nguồn nước mặt của tỉnh hầu như bị nhiễm mặn vào mùa khô. Do vậy, cần bổ sung cả chi tiết hoạt động nghiên cứu cấu trúc địa chất thủy văn của vùng dự án, từ đó xác định được vị trí bổ sung nước dưới đất để có nước dưới đất cung cấp cho sinh hoạt và công nghiệp vào mùa hạn hán, thiếu nước.
Đại biểu phát biểu ý kiến |
Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp thống nhất với mục tiêu, các hoạt động và đầu ra của dự án. “Tuy nhiên, để kết quả đầu ra của dự án được áp dụng vào thực tiễn và cho các đơn vị được hưởng lợi có hiệu quả thì dự án cần chi tiết hóa việc xây dựng các sổ tay hướng dẫn về bảo vệ tài nguyên nước cho từng địa phương, vì hiện tại một số nơi của huyện nguồn nước dưới đất đang có nguy cơ bị ô nhiễm do các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt” - Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp phát biểu.
Ông Thân Văn Đón cho biết: Ý kiến tham vấn của các đơn vị liên quan ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An giúp cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia hoàn thiện các hoạt động của dự án và là căn cứ để cuối tháng 3/2021 Trung tâm phối hợp UNESSCO Việt Nam gửi đề cương dự án cho nhà tài trợ Quỹ Thích ứng.