Thêm 3 ca nhập cảnh mắc COVID-19

Xã hội - Ngày đăng : 22:12, 15/03/2021

(TN&MT) - Theo bản tin 18h ngày 15/3 của Bộ Y tế, Việt Nam có 3 ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh và được cách ly ngay tại Hà Nội, Đồng Nai và Kiên Giang.

Ảnh minh họa

Số ca mắc ở Việt Nam

Tính đến 18h ngày 15/3: Việt Nam có tổng cộng 1594 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 901 ca.

Tính từ 6h đến 18h ngày 15/3: 3 ca mắc mới, đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Thông tin ca mắc mới

CA BỆNH 2555 (BN2555): nam, 35 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại phường 10, quận Gò Gấp, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân từ Phần Lan quá cảnh Pháp nhập cảnh Sân bay Nội Bài ngày 9/3 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP. Hà Nội. Kết quả xét nghiệm ngày 13/3 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

CA BỆNH 2556 (BN2556): nữ, 45 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Bệnh nhân từ UAE nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10/3 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Đồng Nai. Kết quả xét nghiệm ngày 14/3/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.

CA BỆNH 2557 (BN2557): nữ, 35 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Bệnh nhân từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu Hà Tiên ngày 27/2 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Kiên Giang. Kết quả xét nghiệm ngày 13/3 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Hà Tiên.

Số người cách ly

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 39.613, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 503 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 16.056 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 23.054 người.

Tình hình điều trị

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, có thêm 29 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN2129; BN2450; BN2299; BN2468; BN2286; BN2438; BN2076; BN1953; BN2440; BN2442; BN2441; BN2470; BN2257; BN2295;BN2504; BN2479; BN2503; BN2415; BN1788; BN2065; BN2497; BN2265; BN2435; BN2486; BN2366; BN2206; BN 2473; BN1845; BN2074.

Như vậy, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.115 bệnh nhân COVID-19. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 42 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 22 ca; số ca âm tính lần 3 là 110 ca.

Tăng cường quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin COVID-19

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Sở Y tế đã giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Thanh Nhàn tổ chức tập huấn, hướng dẫn quản lý chất thải trong tiêm chủng vắc xin COVID-19 tới các cơ sở y tế thực hiện công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Với các cơ sở y tế có tiêm chủng COVID-19 thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động tiêm chủng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và theo hướng dẫn của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) tại văn bản 102/MT-YT ngày 4/3.

Song song với đó, lập phương án quản lý chất thải phát sinh trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, trong đó xác định rõ dự kiến lượng chất thải phát sinh trong tiêm chủng, biện pháp thu gom và lưu giữ chất thải. Chuẩn bị đủ túi, thùng, dụng cụ đựng chất thải, phân loại, thu gom và bàn giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn về quản lý chất thải tới các cán bộ của cơ sở tiêm chủng.

Với các chất thải phát sinh trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 như kim tiêm, bơm tiêm liền kim sau sử dụng thải bỏ và các chất thải lây nhiễm sắc nhọn khác thì phân loại vào dụng cụ đựng chất thải lây nhiễm có màu vàng, có thành, đáy cứng không bị xuyên thủng, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh.

Bơm tiêm liền kim, vỏ lọ vắc xin COVID-19 đã dùng hết… là những chất thải phát sinh trong quá trình tiêm chủng có chứa chất gây bệnh phải được phân loại, thu gom và xử lý theo quy định.

Bông, băng dính máu, vỏ lọ vắc xin đã dùng hết, lọ đựng vắc xin thừa thải bỏ, khẩu trang, găng tay, trang phục bảo hộ cá nhân thải bỏ và các chất thải lây nhiễm không sắc nhọn khác thì phân loại vào túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm, có màu vàng, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh.

Lọ vắc xin hết hạn sử dụng hoặc hỏng không sử dụng được do quá trình bảo quản, phân loại riêng để tiêu hủy theo quy trình hủy thuốc hoặc trả lại nhà sản xuất theo thỏa thuận với bên cung cấp.

Các chất thải khác phát sinh trong quá trình thực hiện tiêm chủng ngoài những chất thải trên được phân loại theo quy định tại Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT. Việc thu gom, lưu trữ, vận chuyển, xử lý chất thải cũng được thực hiện theo quy định của thông tư này và những văn bản có liên quan.

Khánh Linh