Tăng cường đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 16:29, 15/03/2021

(TN&MT) - Đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên là một trong những yếu tố quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội của địa phương. Ngoài ra, việc cấp nước an toàn cho người dân; bảo đảm về lượng nước, chất lượng nước là vấn đề thường nhật và luôn là vấn đề cấp thiết.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 9 hệ thống cấp nước sạch, an toàn, gồm: TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay, huyện Tuần Giáo, huyện Tủa Chùa, huyện Mường Nhé, huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng, huyện Mường Chà và huyện Điện Biên Đông với tổng công xuất thiết kế là 31.100m3/ngày đêm.

Các bể chứa nước hợp vệ sinh của đồng bào vùng cao Điện Biên

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay toàn tỉnh có 105,956 hộ, với hơn 524 nghìn người, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 83,70%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam đạt 12,55%, tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh là 86.39%. Đến nay toàn tỉnh có 1.020 công trình cấp nước tập trung trong đó có 22 công trình hoạt động bền vững, 33 công trình tương đối bền vững, 944 công trình kém bền vững và 21 công trình không hoạt động.
Ngoài việc đảm bảo nguồn nước phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân thì vấn đề nước phcuj vụ sản xuất trong nông nghiệp cũng được xã hội quan tâm. Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên có 974 công trình thủy lợi, với tổng diện tích tưới theo thiết kế 38.360.9ha. Trong đó công trình cấp tỉnh quản lý cung cấp nước tưới trên 6,843ha, công trình cấp huyện quản lý cung cấp nước cho 9,379ha. 

Mùa khô là những tháng cao điểm đồng bào vùng cao Điện Biên thiếu nước sinh hoạt

Việc khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Điện Biên được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ cho công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên, Công ty CP Xây dựng thủy lợi Điện Biên và UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý.
Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa lớn kéo dài gây sạt lở ven sông suối, sạt lở đất núi làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước trên các sông suối. Tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, dân số, đô thị khiến nhu cầu về nước sạch ngày càng tăng, tình trạng sử dụng lãng phí... cùng với việc xả thải không đúng quy định, người dân chưa có ý thức trong bảo vệ nguồn nước, đổ rác tại đầu nguồn lưu vực, việc ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và khả năng cung cấp nước của các nhà máy trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Hạn hán làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp. 

Bà Đặng Thị Hồng Loan, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, cho biết: Các hiện tượng thời tiết cực đoan của thời tiết như: mưa lũ, hạn hán... đã khiến người dân Điện Biên thiếu nước sinh hoạt và phục vụ trong sản xuất nông nghiệp.

Chính vì vậy, việc đảm bảo an ninh an toàn nguồn nước sạch trên địa bàn tỉnh luôn là vấn đề cần thiết và phải có chiến lược lâu dài. Nếu tình trạng khô hạn kéo dài thì nguy cơ gây ra sự cố mất an ninh nguồn nước là điều trong dự kiến sẽ xảy ra. Qua đây, các sở ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành ph... các tổ chức và cá nhân có hoạt động kinh doanh, khai thác, sử dụng nước xả thải vào nguồn nước đều có nghĩa vụ tham gia phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiếm nguồn nước để đảm bảo an toàn nguồn nước sạch trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ an ninh nguồn nước, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nước sạch chủ động ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm, phát hiện ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại nguồn nước, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về vai trò của nguồn nước sạch. 
Những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và những nguy cơ đe dọa về sự thiếu hụt nguồn nước đến đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
 

Hoàng Châu