Phát triển năng lượng bền vững ở tiểu vùng sông Mekong
Tin tức - Ngày đăng : 15:28, 15/03/2021
Năm nay, của diễn đàn là đưa ra định hướng và các thông lệ tốt, khuyến nghị những chính sách phát triển năng lượng bền vững trong khu vực Tiểu vùng Sông Mekong mở rộng (GMS) gồm 6 quốc gia: Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc (Vân Nam và khu tự trị Quảng Tây); nhìn nhận lại một số vấn đề gây ảnh hưởng tới việc xây dựng chính sách năng lượng bền vững trong tiểu vùng. Từ đó, khuyến nghị một số chính sách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản và gia tăng đóng góp vào phát triển năng lượng bền vững ở tiểu vùng.
TS. Trần Thị Hồng Minh phát biểu khai mạc diễn đàn |
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, tiểu vùng sông Mekong được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng lớn trong ASEAN và ASEAN+, với nhiều sáng kiến và nỗ lực hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại đầu tư cho đến phát triển kết cấu hạ tầng, viễn thông, phát triển nguồn nhân lực, môi trường… Trong đó, năng lượng là lĩnh vực quan trọng, gắn kết mật thiết với quá trình phát triển của các ngành, các lĩnh vực khác. Chính vì vậy, các nước GMS cần gia tăng sự hợp tác nhằm hướng tới chính sách phát triển năng lượng hài hòa ở cấp vùng.
Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ khá nhanh. Đảng và Chính phủ cũng đặt những mục tiêu quan trọng, trong đó, có tăng trưởng kinh tế trong thập niên tới. Nhu cầu sử dụng năng lượng là rất lớn và có xu hướng liên tục tăng nhanh. Để đáp ứng nhu cầu này một cách bền vững, Việt Nam đang nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng khác nhau, chứ không chỉ dựa vào các nguồn hóa thạch hay nguồn lợi thủy điện. "Việt Nam cũng cần nhìn nhận tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng một cách bền vững ở khu vực GMS và đã thường xuyên, chủ động trao đổi với các quốc gia thành viên. Trong quá trình đó, chúng tôi đánh giá cao sự tham gia hỗ trợ tích cực của các đối tác ở cả trong và ngoài khu vực GMS", TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Chia sẻ về thực trạng phát triển, những vấn đề và thách thức của hợp tác GMS, ông Võ Trí Thành cho biết: Những năm qua, hợp tác GMS dù có nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng “tốc độ bứt phá chưa được như kì vọng”. Nguyên nhân chủ yếu là do các quốc gia tham gia vào cơ chế hợp tác tiểu vùng (ngoại trừ những đối tác chính bên ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ) đều có năng lực kinh tế khiêm tốn và phụ thuộc vào hỗ trợ từ bên ngoài. Hiệu quả thực thi của một số cơ chế, sáng kiến và dự án còn thấp. Ngoài ra, còn quá nhiều cơ chế hợp tác bị chồng chéo và trùng lặp ở các lĩnh vực, nội dung ưu tiên.
TS. Võ Trí Thành phát biểu tại phiên họp |
Về phía Nhật Bản, GS. Fukunari Kimura, Khoa Kinh tế, Đại học Keio; Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho hay: Tiểu vùng sông Mekong (MSR) được đánh giá là tiểu vùng thành công nhất với tốc độ tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo trong ba thập kỷ qua. Tuy vậy, khoảng cách phát triển trong khu vực vẫn còn rất rộng. Cần theo đuổi một phương án tăng trưởng bao trùm và bền vững hơn. Tính bền vững chưa được lưu tâm đúng mức thể hiện ở chỗ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá năng lượng thấp làm chậm quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp. Ngược lại, quá trình này trên thế giới lại diễn ra rất nhanh. Các vấn đề về phát triển bền vững khác như quản lý nguồn nước và môi trường nói chung cũng trở thành những vấn đề cấp bách trong tiểu vùng. GS. Fukunari Kimura nhấn mạnh: “Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, không nhất thiết phải là sự đánh đổi”.
Phiên hai của diễn đàn thảo luận về những thách thức và cơ hội của chính sách cho ngành năng lượng nhằm đóng góp vào sự phát triển năng lượng bền vững trong GMS. Chia sẻ những kết quả nghiên cứu của ông và cộng sự về vấn đề “Nhận thức của công chúng về chính sách năng lượng và phát triển bền vững ở ASEAN”, GS. Masahiro Sugiyama, Viện Sáng kiến Tương Lai (IFI), Đại học Tokyo cho biết: Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, nhu cầu điện ở ASEAN là một trong những khu vực tăng nhanh trên thế giới. Trong đó, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu về thị phần năng lượng tái tạo hiện đại trong ASEAN với sự phát triển của thủy điện và mới đây là điện mặt trời và điện gió. Ngành năng lượng tái tạo có nhiều hứa hẹn, xong lại đi kèm với giá thành cao. Mà thực tế chưa có nhiều người sẵn sàng chi trả cho phần chi phí này.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có bài phát biểu về “Tầm quan trọng của chính sách năng lượng bền vững ở GMS”. Trong bài phát biểu, ông chỉ ra rằng: Tăng cường sản xuất điện vẫn là yếu tố cần thiết đối với tăng trưởng kinh tế. Nhưng hợp tác và điều phối chính sách năng lượng cũng không kém phần quan trọng. Vì vậy, cần đạt được sự nhất trí về tầm quan trọng của an ninh năng lượng đối với GMS và từng quốc gia thành viên. Kết nối cơ sở hạ tầng đồng thời chú trọng giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Ví dụ đẩy mạnh nhà máy thủy điện và đa dạng sinh học dọc theo sông Mekong. Ông khuyến nghị việc đảm bảo an ninh năng lượng vẫn rất quan trọng, nhưng cần đảm bảo cơ cấu năng lượng cân bằng hơn (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo). Nâng cao năng lực đánh giá tác động môi trường của các dự án năng lượng gần/dọc sông Mekong.
Ở phiên thảo luận cuối cùng, các diễn giả và khách mời cùng thay phiên phát biểu về định hướng và các thông lệ tốt. Khuyến nghị chính sách phát triển năng lượng bền vững trong GMS.