Các quốc gia áp dụng khuôn khổ mang tính bước ngoặt làm thay đổi giá trị tự nhiên
Thế giới - Ngày đăng : 20:35, 13/03/2021
Rừng và các hệ sinh thái khác mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng và quốc gia. Ảnh: UNICEF / Vincent Tremeau |
Được thông qua bởi Ủy ban Thống kê Liên Hợp Quốc (UNSC), khuôn khổ mới về kinh tế và môi trường sẽ “định hình lại” chính sách phát triển bền vững và hoạt động vì khí hậu. “Đây là một bước tiến lịch sử nhằm thay đổi cách chúng ta nhìn nhận và coi trọng thiên nhiên. Các quốc gia cần phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres khẳng định.
Khuôn khổ mới, với tên gọi “Hệ thống Kế toán Kinh tế - Môi trường - Kế toán Hệ sinh thái” sẽ đảm bảo môi trường tự nhiên như rừng, đất ngập nước và các hệ sinh thái khác được ghi nhận trong báo cáo kinh tế.
Thiên nhiên là "tài sản vô giá"
Theo Cơ quan Các vấn đề kinh tế xã hội (DESA) của LHQ, khuôn khổ mới là một bước tiến lớn so với thước đo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thường được sử dụng trong các báo cáo kinh tế suốt 70 năm qua.
Theo khuôn khổ mới này, hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ quan trọng nhằm tạo lợi ích cho con người và cần được duy trì như một tài sản. Chẳng hạn, rừng cung cấp nước sạch cho cộng đồng, đóng vai trò như máy lọc nước tự nhiên đối với thực vật và có tác dụng hấp thụ ô nhiễm trước khi nguồn nước đến sông, suối và hồ.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Liên Hợp Quốc Elliot Harris nhận định: “Trước đây, chúng tôi đã đánh giá tiến bộ xã hội thông qua giá trị kinh tế của hàng hóa và dịch vụ. Con người đã đối xử “thô bạo” với thiên nhiên và thiên nhiên ngày càng trở nên suy thoái và mất dần giá trị”.
“Nằm trong khuôn khổ, tính toán tự nhiên và nền kinh tế cho phép chúng ta nhìn nhận sự ảnh hưởng từ các hoạt động kinh tế của con người đến môi trường tự nhiên và ngược lại. Vì vậy, chúng ta có thể phát triển nền kinh tế thịnh vượng mà không gây tổn hại môi trường thiên nhiên”, ông Harris cho biết.
“Yếu tố đột biến” cho hành động khí hậu
Đồng quan điểm với ông Harris, bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đánh giá khuôn khổ mới như một “yếu tố đột biến” cho hành động khí hậu. “Qua việc đề cao những đóng góp của thiên nhiên, giờ đây đã có một công cụ cho phép nhìn nhận và đánh giá đúng đắn về thiên nhiên. Nó giúp thay đổi nhanh chóng, lâu dài theo hướng bền vững cho cả con người và môi trường”, bà Andersen chỉ rõ.
Theo dự kiến, khuôn khổ mới sẽ làm nền tảng cho các cuộc thảo luận và quyết định tại hai hội nghị khí hậu lớn sắp diễn ra vào cuối năm nay. Đó là cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các bên (COP15) cho Công ước Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học ở Côn Minh, Trung Quốc, và Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow, Vương quốc Anh.
“Ngay khi chính phủ các nước sẵn sàng đồng ý và thiết lập một khuôn khổ tái tạo mối quan hệ với tự nhiên, khuôn khổ mới sẽ tạo động lực để tính toán chính xác giá trị của đa dạng sinh học. Đây là một bước tiến hướng tới sự phát triển bền vững”, bà Elizabeth Maruma Mrema, Thư ký điều hành của Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học khẳng định.