Xây dựng cảng nước sâu để để đưa hàng hoá của vùng BĐSCL ra thế giới

Kinh tế - Ngày đăng : 14:51, 13/03/2021

(TN&MT) - Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vùng ĐBSCL cần có 1 cảng nước sâu, cửa ngõ để đưa hàng hoá của vùng ra thế giới cũng như nhập hàng hoá từ thế giới về vùng. Do đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất quy hoạch cảng nước sâu có thể  đón tàu khoảng 100.000 tấn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu vừa là định hướng, vừa là định hướng, mục tiêu phát triển vùng nói chung vừa là định hướng, mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng. Nghị quyết cũng đã xác định cụ thể nhiệm vụ của Bộ GTVT là xây dựng quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng và đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp với các quan điểm định hướng.

Ngay khi Nghị quyết ban hành, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ rà soát, đánh giá để điều chỉnh quy hoạch ngành GTVT.

Các dự án được đầu tư và đưa vào khai thác đã thực sự phát huy hiệu quả, đều là những dự án động lực, quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; các giải pháp đầu tư đã chú trọng đến thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo ổn định bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, trong nhiệm kỳ 2016-2020, Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển GTVT của khu vực ĐBSCL. Trong Nghị quyết 120, Chính phủ cũng nhìn nhận hệ thống GTVT của vùng ĐBSCL còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng. Vì vậy, Chính phủ giao Bộ GTVT và các địa phương trong khu vực 2 nhiệm vụ.

Thứ nhất, điều chỉnh lại quy hoạch giao thông vận tải trong vùng và đặc biệt là xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025 với tiêu chí là sẽ đầu tư nhiều hơn để hoàn chỉnh hệ thống giao thông của vùng.

Thứ hai, tập trung nguồn lực để chỉ đạo, hoàn thành những công trình trọng điểm, dự án đang triển khai trên địa bàn.

Trong 3 năm qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai hai nhiệm vụ này.

Về quy hoạch, đến thời điểm này, Bộ đã hoàn thành 5 lĩnh vực quy hoạch giao thông. Trong quá trình thực hiện, Bộ cũng đã phối hợp với 13 tỉnh, thành phố và yêu cầu các địa phương điều chỉnh quy hoạch giao thông địa phương, kết nối với hệ thống giao thông Trung ương để làm sao có được hệ thống GTVT tốt nhất. Sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải của vùng và cả nước nói chung.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH

“Một điểm mới mang tính đột phá là sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng vùng ĐBSCL cần có 1 cảng nước sâu, cửa ngõ để đưa hàng hoá của vùng ra thế giới cũng như nhập hàng hoá từ thế giới về vùng. Do đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất quy hoạch cảng nước sâu có thể đón tàu khoảng 100.000 tấn. Chúng tôi sẽ xã hội hoá cảng này bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh và cho rằng, khi có cảng hàng không Cần Thơ và cảng biển này thì khu vực ĐBSCL sẽ có chuyển dịch cơ cấu kinh tế rất tốt, đặc biệt là chuyển một số vùng đất bị nhiễm mặn thành khu vực công nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trong vùng, tính đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đường kết nối trung tâm ĐBSCL (nối Cao Lãnh–Rạng Sỏi) để hình thành một trục mới từ Cao Lãnh đến Kiên Giang, đem lại thế mạnh cho vùng và tạo điều kiện để phát triển kinh tế.

Cùng với đó, Chính phủ cũng dành gần 5000 tỷ đầu tư công để khởi công 3 gói thầu từ Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ. Riêng cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ được hoàn thành trong năm 2022. Ngoài ra, Bộ GTVT có một số dự án như: Xây dựng cao tốc nối TP. Cà Mau-Cần Thơ, và cao tốc nối Châu Đốc-Long Xuyên-Cần Thơ và Sóc Trăng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, về kế hoạch đầu tư công 2021-2025 đối với ngành GTVT tại vùng ĐBSCL, Bộ đã thống nhất với Bộ KH&ĐT, sẽ đầu tư khoảng 57.000 tỷ, so với nhiệm kỳ vừa qua là chỉ 29.000 tỷ. Bộ trưởng cũng mong các tỉnh vùng ĐBSCL cùng với Bộ thực hiện tốt kế hoạch để đến 2025, GTVT của vùng ĐBSCL sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn để giúp khu vực chuyển đổi và phát triển bền vững.

Bên cạnh các kết quả đạt được, kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL vẫn chưa thực sự đột phá, đáp ứng nhu cầu phát triển, lên kết nội vùng và liên vùng đặc biệt liên kết vùng ĐBSCL với Đông Nam Bộ còn yếu.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển và thực hiện Nghị quyết 120, trong thời gian tới, người đứng đầu ngành Giao thông vận tải đã đưa ra quan điểm định hướng cho ngành ở khu vực, trong đó: Kết cấu hạ tầng giao thông được xác định là khâu đột phá cần ưu tiên nguồn lực để thực hiện nhằm thay đổi căn bản năng lực cạnh tranh của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung;

Xây dựng quy hoạch 5 chuyên ngành đảm bảo tính kết nối đồng bộ; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tính đến khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ; chú trọng phát huy và khai thác hiệu quả lợi thế vùng đối với phương thức vận tải thủy.

Huy động tối đa mọi nguồn lực và tập trung phân bổ để đầu tư các công trình quan trọng có tính động lực, lan tỏa kết nối vùng và liên vùng như các tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam kết nối ĐBSCL với Đông Nam Bộ, tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, An Hữu – Cao Lãnh, Mỹ An – Cao Lãnh, luồng cho tàu biển lớn vào Sông Hậu giai đoạn 2, các tuyến đường thủy chính… triển khai nghiên cứu để kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt từ TP HCM đi Cần Thơ.

Khương Trung