Bộ Tài chính sẽ giám sát việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 17:12, 12/03/2021
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ giám sát hoạt động đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2020 (thực hiện năm 2021) tại hai Bộ, ngành là Bộ Quốc phòng và Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, đối với Bộ Quốc phòng sẽ giám sát trực tiếp đối với 2 doanh nghiệp là Tổng Công ty 15 và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên 16 có nguồn bổ sung vốn điều lệ từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Bộ Tài chính sẽ giám sát gián tiếp việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Ảnh: Internet |
Đối với Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát gián tiếp trong việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam từ thanh toán trái phiếu đặc biệt.
Đối với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính không thực hiện giám sát do các cơ quan đại diện chủ sở hữu không phát sinh đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2020.
Bên cạnh đó, với một số Bộ, ngành như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính không lập kế hoạch giám sát do không nhận được báo cáo, các cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện giám sát theo quy định.
Theo Quyết định đối tượng giám sát do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát đối với các trường hợp phát sinh hoạt động đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2020 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: có nguồn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và có nguồn từ thanh toán trái phiếu đặc biệt. Các trường hợp khác, Cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm thực hiện giám sát và gửi báo cáo để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Đối với các trường hợp đến thời điểm ngày 19/2/2021 chưa gửi Bộ Tài chính Báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2020 và Kế hoạch giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2020 (triển khai thực hiện trong năm 2021) theo đề nghị tại công văn số 15802/BTC-TCDN ngày 23/12/2020 của Bộ Tài chính: Bộ Tài chính không có căn cứ lập và công bố kế hoạch giám sát, các Cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm về việc không gửi báo cáo về Bộ Tài chính và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện giám sát theo quy định.
Về nội dung giám sát được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 51 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Điều 6 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; Điều 4 Thông tư số 200/2015/TT-BTC ngày 15/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Đối với các trường hợp phát sinh hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2020 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (nguồn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp); Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát trực tiếp.
Đối với các trường hợp phát sinh hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2020 của các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (nguồn từ thanh toán trái phiếu đặc biệt): Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát gián tiếp.
Căn cứ Kế hoạch giám sát đề xuất gửi Bộ Tài chính, các Cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm giám sát trực tiếp hoặc giám sát gián tiếp theo các nội dung, mẫu biểu quy định, hướng dẫn tại Khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 51 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Điều 6 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư số 200/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Vấn đề bổ sung vốn điều lệ cho Agribank đã được đưa ra từ năm 2020. Nguyên nhân là vốn điều lệ của Agribank thời điểm giữa năm 2020 chỉ đạt 30.591 tỷ đồng. Nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II (được hướng dẫn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016) thì tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng này chỉ đạt 6,9% (không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định).
Do đó, trên cơ sở thực trạng vốn của Ngân hàng, Agribank đã xây dựng phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2019 - 2021. Mức vốn tự có thiếu hụt của Agribank giai đoạn 2019 - 2021 để đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II là rất lớn.
Vì chưa đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II nên Agribank hiện đang được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019. Thời điểm ngày chốt phương án, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN cũng chỉ đạt 9,2%, sát ngưỡng tối thiểu theo quy định (9%). Để đáp ứng quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, Agribank vẫn cần được Nhà nước cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng.