Điện Biên: Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng thông qua tài khoản ngân hàng
Môi trường - Ngày đăng : 10:38, 12/03/2021
Những năm trước đây, công tác chi trảtiền DVMTR bằng tiền mặt trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn chi trả DVMTR chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, việc đi lại tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó số tiền chi trả cho dịch vụ môi trường rừng rất lớn, trong quá trình vận chuyển đường dài sẽ không an toàn, thời gian chi trả kéo dài nên cần có các phương tiện vận chuyển và lực lượng chức năng bảo vệ, dễ gây thất thoát trong quá trình chi trả qua các khâu trung gian, tính minh bạch chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát khó khăn, mất nhiều thời gian…
Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên tuyên truyền tại TX. Mường Lay |
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã có những văn bản, chỉ đạo công tác mở tài khoản DVMTR từ đầu năm 2018, Qũy đã đề nghị UBND các huyện chỉ đạo UBND xã trên địa bàn phối hợp với hạt Kiểm lâm đẩy nhanh việc hoàn thiện các Quyết định thành lập Ban quản lý rừng, Cộng đồng cho các chủ rừng làm căn cứ mở tài khoản tại các Ngân hàng để nhận tiền DVMTR. Đồng thời, Quỹ đã trực tiếp hỗ trợ, tuyên truyền, hướng dẫn cho các chủ rừng trên các địa bàn về công tác mở và sử dụng tài khoản ngân hàng.
Nhờ làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ nên nhiều cánh rừng đã xanh tốt |
Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho biết: Điện Biên có số lượng chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng lớn phân bố trên địa bàn các huyện: Điện Biên, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà, Mường Lay, Điện Biên Đông với 4.322 chủ rừng, Trong năm 2020, Ban điều hành Quỹ phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng số Vieettel Pay mở thêm 161 tài khoản nâng tổng số lên 2.158 tài khoản cho các chủ rừng.
Trong những đợt chi trả tiền DVMTR Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết mở tài khoản ngân hàng trong thời gian sớm nhất để việc tạm ứng và thanh toán tiền chi trả tiền DVMTR thuận tiện hơn, chủ động hơn khi nhận tiền qua tài khoản ngân hàng.
Bên cạnh đó, do một số huyện, thị xã chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình có diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ nhỏ lẻ; số tiền nhận chi trả DVMTR hàng năm ít nên chưa khuyến khích được người dân tham gia. Do thông tin cá nhân giữa chứng minh thư nhân dân, quyết định giao đất giao rừng không trùng khớp, chủ rừng vắng mặt dài ngày trên địa bàn nên nhiều trường hợp chưa mở được tài khoản.
Cùng với đó, số chủ rừng chưa mở tài khoản qua hệ thống ngân hàng, tập trung chủ yếu ở các huyện như: Điện Biện Đông có 235 chủ rừng, Điện Biên có 1,042 chủ rừng, Mường Ảng có 10 chủ rừng, Tuần Giáo 239 chủ rung, Tủa Chùa 43 chủ rừng, TP Điện Biên Phủ có 595 chủ rừng thuộc khu vực thủy điện Nậm Núa. Trong khi đa số các huyện chỉ có 1 ngân hàng giao dịch ở xã, thị trấn do vậy các chủ rừng tập trung mở tài khoản vào một ngân hàng vì thế ngân hàng chưa kịp thời bố trí cán bộ hỗ trợ mở tài khoản cho chủ rừng được thuận tiện.
Qua hai cách chi trả bằng tiền mặt và chuyển khoản, có thể thấy việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng giúp tiết kiệm chi phí, giảm các thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả hơn so với việc chi trả bằng tiền mặt và người dân thuận tiện, chủ động hơn trong việc nhận tiền chi trả DVMTR.