“Bắt bệnh” thời tiết phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 06:00, 12/03/2021

(TN&MT) - Kế hoạch ngắn hạn hay chiến lược dài hạn để thích ứng với biến đổi khí hậu đều cần dựa trên thông tin giám sát các hiện tượng thời tiết, khí hậu cũng như các tác động cụ thể. Đó là yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đặc biệt là đối với những khu vực dễ chịu tổn thương như Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đã được thể hiện rõ nét trong công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn thời gian qua.

Từ bị động đến chủ động trước hạn, mặn

Thời điểm mùa khô năm 2015 - 2016, khắp các vùng sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL điêu đứng vì hạn, mặn, chính quyền địa phương căng mình đưa nước từ các vùng ngọt để giải quyết nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân vùng mặn thì nay, tình hình hoàn toàn ngược lại. Lúa vụ Đông Xuân 2020 - 2021 đã thu hoạch hơn 1/3 diện tích gieo trồng với giá bán cao hơn năm trước khoảng 1.000 đồng/kg. Nông dân phấn khởi vì vừa được mùa vừa được giá, còn người trồng cây ăn quả phần nào yên tâm bởi đến thời điểm này, các vườn cây chưa ghi nhận thiệt hại gì.

Chuyển biến này không phải đột nhiên có, mà bắt nguồn từ sự chủ động, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống hạn, mặn trong vài năm trở lại đây. Ngay từ trước khi mùa khô bắt đầu, thông tin dự báo, cảnh báo hạn, mặn đã đến được tới các địa phương vùng ĐBSCL. Điển hình tại Long An, nhằm tránh thiệt hại như những năm trước, UBND tỉnh và các ngành liên quan đã làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Tiền Giang về việc thống nhất phương án phòng, chống hạn, mặn để bảo vệ nguồn nước chung theo hệ thống kênh Bảo Định, giữ nguồn nước ngọt phục vụ nông nghiệp của 2 địa phương.

Theo ông Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Long An, hiện nay, thời tiết bắt đầu nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước ngọt lớn hơn. Diễn biến xâm nhập mặn nhiều khả năng gây bất lợi cho sản xuất và nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt tại Long An. Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong khu vực sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, Đài vẫn khuyến cáo địa phương cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia ghi nhận, ở ĐBSCL đã xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao. Đến cuối tháng 2/2021, ranh mặn 4g/l ở các sông Vàm Cỏ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 30 - 32 km; ở các cửa sông Cửu Long thấp hơn từ 5 - 25 km và trên sông Cái Lớn thấp hơn 10 - 13 km.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), để ứng phó hạn, mặn, hầu hết các địa phương đã chủ động các phương án tích trữ nước cho vườn cây ăn trái. Đơn cử như tại tỉnh Bến Tre, nông dân đã đào khoảng 500 ao với dung tích bình quân 500 m3/ao. Tại huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), bà con cũng đã đầu tư hơn 100 ao với dung tích trung bình tới 2.000 m3/ao.

Máy cảm biến khí tượng thủy văn đặt tại cánh đồng

Nỗ lực nắm bắt khí hậu bất thường

Ông Trần Hồng Thái Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV (Bộ TN&MT) chia sẻ, để có thể bám sát và kịp thời thông tin về diễn biến hạn, mặn, bài học kinh nghiệm từ mùa khô các năm trước tiếp tục được phát huy. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT và Tổng cục KTTV, các đơn vị: Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Đài KTTV khu vực Nam Bộ và các Đài KTTV tỉnh ở khu vực ĐBSCL đã rất chủ động trong công tác cảnh báo, dự báo và phối hợp với các địa phương. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong và ngoài Bộ đã giúp bản tin cảnh báo, dự báo có cơ sở khoa học và độ tin cậy cao.

“Để có thông tin liên tục, cập nhật, các đơn vị thuộc Tổng cục đã tăng cường đo mặn, tổ chức thu thập thông tin về tình hình thiệt hại, đánh giá và dự báo tác động của xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh tại các tỉnh, thành phố trong khu vực”, ông Thái cho biết.

Hiệu quả thấy rõ qua từng năm, khi diễn biến hạn, mặn mùa khô năm 2019 - 2020 dù được đánh giá là khốc liệt hơn nhưng mức thiệt hại lại thấp hơn đáng kể so với mùa khô năm 2015 - 2016, diện tích vụ Mùa và vụ Đông Xuân bị ảnh hưởng chỉ bằng 9,6% - theo đánh giá của Bộ NN&PTNT. Thành công này càng khiến người dân thêm tin tưởng và chấp hành theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong mùa khô năm nay. Công tác quan trắc độ mặn, thu thập thông tin về hạn hán, xâm nhập mặn còn giúp cơ quan dự báo “phác thảo” được bức tranh tổng quan về sự biến đổi của các hiện tượng thời tiết, nhiệt độ, lượng mưa trong vùng.

Để phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, hoạch định chính sách phát triển và các hoạt động kinh tế - xã hội khác của vùng, cần thiết phải nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, BĐKH. Trong đó, nhu cầu thiết yếu hiện nay là phải đầu tư bổ sung tăng dày các trạm quan trắc KTTV, môi trường, tài nguyên nước, sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn cung cấp thông tin, dữ liệu, phân tích dự báo cho Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL. Tăng cường năng lực dự báo KTTV, cảnh báo sớm thiên tai, thời tiết cực đoan. Xây dựng hệ thống giám sát, dự báo cảnh báo sớm diễn biến tài nguyên nước, bao gồm cả phần thượng nguồn, toàn lưu vực và sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển.

Vy Huyền