ĐBSCL 'thuận thiên', vượt qua 'lời nguyền' sản xuất nhỏ lẻ
Trong nước - Ngày đăng : 19:33, 11/03/2021
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời phỏng vấn Cổng Thông tin điện tử Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, người đã có nhiều năm lăn lộn cùng người nông dân của vùng đất “chín rồng”.
Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, ngành nông nghiệp tại khu vực này đã có những thay đổi gì?
Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Từ Nghị quyết này, ngành nông nghiệp ĐBSCL đã chuyển dịch mô hình sản xuất theo hướng "thuận thiên", thích ứng với hạn mặn, xu thế nước biển dâng do biến đổi khí hậu, đồng thời phù hợp với xu thế tiêu dùng, thị trường hiện nay.
Bộ NN&PTNT đã góp phần định hình lại mô hình sản xuất theo từng vùng ngọt, mặn, lợ, đan xen giữa mùa vụ này với mùa vụ khác, chuyển dần diện tích thuần lúa sang những mô hình đa canh khác như lúa-tôm, lúa-cá hoặc mô hình nuôi tôm trong rừng ngập mặn.
Những mô hình này vừa mang tính chất "thuận thiên", vừa đảm bảo nền nông nghiệp tuần hoàn, đỡ rủi ro mùa vụ, nhất là trong bối cảnh thị trường có nhiều bất ổn. Việc áp dụng các mô hình luân canh, xen canh cũng giúp phục hồi hệ sinh thái, cải thiện độ dinh dưỡng của đất, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí cho nông dân, tạo ra nông sản sạch, có giá trị cao hơn. Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều sản phẩm tôm sạch, lúa sạch nhờ quá trình chuyển đổi ấy.
Bên cạnh những giải pháp phi công trình, quá trình chuyển đổi sản xuất ở ĐBSCL cũng cần đến giải pháp công trình như xử lý đê kè, xây dựng các công trình thủy lợi. Bộ NN&PTNT cũng đã giao các cơ quan xây dựng quy chế vận hành các công trình, giúp người sản xuất, địa phương điều chỉnh sản xuất phù hợp.
Các công trình phát huy tác dụng, để lại dấu ấn lớn như cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; Mỹ Thuận-Cần Thơ hay đường xuống Rạch Giá - Kiên Giang…, tuyến liên kết các tỉnh duyên hải, các công trình thủy lợi xử lý một phần sạt lở cửa sông, cửa biển, các công trình như Cái Lớn, Cái Bé cũng góp phần rất hữu ích cho sản xuất.
Có thể nói việc thực hiện Nghị quyết 120 đã giúp sản xuất nông nghiệp ĐBSCL thêm một bước tiến mới trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) tiêu cực hiện nay.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Vậy đời sống của người dân có những thay đổi gì sau khi thực hiện Nghị quyết này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Thay đổi đầu tiên là tư duy sản xuất theo hướng "thuận thiên". Cùng với đó, việc nâng cao hạ tầng và tư duy sản xuất đã giúp cả người dân và doanh nghiệp (DN) nhìn thấy nhiều cơ hội hơn. DN đầu tư các trang trại lớn, mang tính chất “dẫn dắt” cũng khiến người dân hồ hởi hơn trong sản xuất. Từ đó, việc phát triển các hợp tác xã (HTX) cũng hướng tới sản xuất lớn hơn. Tôi có cảm giác ĐBSCL đang dần vượt qua "lời nguyền" về sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.
Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu, bởi sản xuất sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa đi theo hướng kinh tế nông nghiệp và bị giới hạn không gian hành chính tư duy địa phương. Nếu tạo ra được hệ sinh thái ngành hàng không còn vùng miền và cụm liên kết mỗi DN đảm nhận một phần việc thì chắc chắn sản xuất khu vực này sẽ có quy mô lớn, tạo ra giá trị lớn.
Theo Thứ trưởng, để phát huy hơn nữa hiệu quả của Nghị quyết 120 trong thời gian tới, ĐBSCL cần chú trọng vào những yếu tố nào?
Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Theo tôi, để nông nghiệp vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển thích ứng với BĐKH theo tinh thần Nghị quyết 120 thì phải huy động hơn nữa sự tham gia của cộng đồng dân cư.
Đầu tiên là hiệu quả từ những giải pháp công trình. Người dân phải thực sự trân trọng và biết tận dụng công trình thì mới có thể phát huy được hết vai trò của các công trình này. Quy chế vận hành có thể dùng công nghệ số để chuyển những dữ liệu “mặn, ngọt, triều” đến với từng người trong các khu dân cư. Phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư thì mới mang lại hiệu quả, tận dụng được ưu điểm của các giải pháp công trình và phi công trình.
Nghị quyết 120 cũng xác định thứ tự ưu tiên trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL là thủy sản, cây ăn trái, lúa gạo. Tuy nhiên, đây là quan điểm chung cho toàn vùng còn đối với từng tiểu vùng, hệ sinh thái thì có thể điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ, Đồng Tháp, An Giang vẫn ưu tiên cho ngành hàng lúa gạo nhưng phải định vị lại ngành hàng lúa gạo mới chứ không phải 3 vụ như thời gian qua. Điều quan trọng là các địa phương, doanh nghiệp, người dân phải liên kết để nâng cao giá trị trong chuỗi giá trị ngành hàng, tạo ra những giống lúa, trái cây mang tính biểu trưng của vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, cần xây dựng bản đồ số kết nối vùng nguyên liệu với thị trường để chủ động sản xuất, giảm thiểu rủi ro trong tiêu thụ.
Giải pháp phi công trình là vận hành, phải thay đổi giống lúa bản địa, các giống lúa chất lượng cao để hướng tới thị trường. Chuyển dần diện tích thuần lúa sang các mô hình khác như lúa-tôm, lúa xen, lúa-cá… Các mô hình mang tính chất thuận thiên và một nền kinh tế tuần hoàn. Việc tuần hoàn này sẽ giúp phục hồi hệ sinh thái tốt hơn, tạo ra những nông sản sạch và an toàn. Minh chứng rõ nét là trong giai đoạn khó khăn về khí hậu vừa qua, ĐBSCL đã có nhiều sản phảm mới ra đời như tôm sạch, lúa sạch…
Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi mong mỏi ĐBSCL sẽ có một nền nông nghiệp sạch, "thuận thiên" dựa trên vùng bản địa, văn hóa và hệ sinh thái của mình. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ trưởng có nhắc đến việc chuyển đổi tư duy sản xuất gắn với thị trường hơn nữa. Vậy cần có những tác động như thế nào để vùng ĐBSCL thực sự là một vùng kinh tế nông nghiệp cập nhật với thị trường?
Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Rủi ro về tiêu thụ nông sản không chỉ có Việt Nam phải đối mặt. Tuy nhiên vẫn có những giải pháp giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất. Phải xác định lại thị trường, chúng ta nói sản xuất theo tín hiệu của thị trường nhưng ai là người dự báo được thị trường? Đó là cơ quan nhà nước.
Muốn làm được điều đó, cần thông qua thị trường trong nước, tham tán thương mại ở nước ngoài… nhưng gần nhất chính là DN. Chỉ DN mới biết từng quy mô, quy chuẩn của từng thị trường. Các cơ quan nhà nước hoạch định chính sách kết hợp với thông tin từ DN mới có thể có được dự báo gần nhất. Sau đó mới đưa thông tin cho người dân theo từng hiệp hội ngành hàng.
Với ĐBSCL nói riêng và cả nước, phải kết nối vùng nguyên liệu bằng bản đồ số. Thời đại 4.0 kết nối vạn vật được, chúng ta cần hướng tới kết nối các vùng nguyên liệu với nhau, các vùng nguyên liệu với thị trường, các thị trường bị đứt gãy với nhau…
Với một bản đồ số về thời vụ, có thể biết được diện tích trồng dứa là bao nhiêu, trồng xoài, nuôi cá… như thế nào. Qua thông tin minh bạch trên kho dữ liệu dùng chung, các trung tâm thương mại sẽ biết được mùa vụ ở đâu đang như thế nào… dần dần sẽ có sự khớp nhau. Các DN có thông tin từng địa phương sẽ hình dung một bức tranh tổng thể hơn và dự báo tín hiệu thị trường cũng sát thực hơn.
Từ đó người sản xuất cũng đỡ “mù” đường. Họ sản xuất ra sản phẩm nhưng cần phải nhìn thấy đường đi của sản phẩm đó mới sản xuất theo tín hiệu của thị trường được.
Là người gắn bó rất nhiều với ĐBSCL, Thứ trưởng có mong mỏi gì về phát triển vùng đất này thời gian tới?
Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Người ta hay nói ĐBSCL là vùng có tiềm năng sản xuất hàng hóa lớn của cả nước, thủy sản, cây ăn trái và lúa gạo đều chiếm tỉ trọng cao. Nhưng thực sự người dân ĐBSCL cũng còn nhiều mong mỏi, nhất là trong đầu tư hạ tầng về giao thông, thủy lợi phục vụ cho sản xuất. Nghị quyết 120 đã đặt kế hoạch đầu tư nhiều nguồn vốn trung hạn và dài hạn nhưng tôi nghĩ bản thân mô hình sản xuất cần thay đổi.
Phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Bán thô cùng lắm chỉ khá lên nhưng muốn tiến thêm một bậc nữa cần thêm nhiều DN, HTX cùng tham gia vào chuỗi ngành hàng. Tư duy sản xuất nông nghiệp nếu vẫn hướng về sản lượng thì không được, phải nghĩ về thị trường. Thị trường đòi hỏi khắt khe hơn nhiều từ truy xuất, chất lượng và các giá trị tích hợp. Người ta không chỉ mua nông sản để ăn đơn thuần mà mua sản phẩm của ĐBSCL, của nền nông nghiệp sinh thái ĐBSCL. Cái gì có thương hiệu thì mới có giá trị cao, nên cần tích hợp nhiều giá trị vào sản phẩm.
Người dân người ĐBSCL sống rất tích cực, ngay trong BĐKH vừa qua đã chủ động thay đổi mùa vụ, nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi, thậm chí trước khi cơ quan chuyên môn có thông tin, bà con đã chủ động thay đổi.
Nhưng cuối cùng ai là người dẫn dắt sự thay đổi đó? Thay đổi cuối cùng không chỉ nằm trên đồng ruộng mà thay đổi trên thị trường, vai trò kết nối thị trường là tối quan trọng. Ngày xưa chúng ta hỗ trợ đầu vào nhưng giờ phải kích hoạt đầu ra. Nếu không hàng hóa sẽ ùn ứ và giá trị không cao.
Tôi mong mỏi ĐBSCL sẽ có một nền nông nghiệp sạch, "thuận thiên" dựa trên vùng bản địa, văn hóa và hệ sinh thái của mình để xây dựng thương hiệu từng loại nông sản. Đó là hướng đến liên kết vùng. Không chỉ từng tỉnh với tỉnh mà cả xã với xã. Thoát ly sự phát triển không gian địa giới hành chính mà nhìn ra bên ngoài rộng lớn hơn, tạo cụm liên kết ngành hàng nằm ở nhiều tỉnh, địa phương. DN thấy vùng nguyên liệu đủ làm sẽ quan tâm hơn. Tôi tin rằng đất lành sẽ thu hút được những đàn chim lớn.