Đà Nẵng: “Biệt đội” bảo vệ khỉ vàng ở Sơn Trà
Môi trường - Ngày đăng : 11:43, 11/03/2021
Bảo vệ “vốn quý” của Sơn Trà
Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, TP. Đà Nẵng là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật quý hiếm. Tất cả các loài vật tại đây đều được bảo vệ và duy trì lối sống hoang dã tự nhiên. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tình trạng khách tham quan thường xuyên cho khỉ ăn, đã làm thay đổi tập tính của loài vật này, cũng như gây ra những tác động xấu cho hệ sinh thái tại bán đảo Sơn Trà.
Cứ đến giờ chiều, bầy khỉ ở Sơn Trà lại tràn xuống đường để chờ được du khách cho ăn |
Dạo quanh bán đảo Sơn Trà không khó để bắt gặp hình ảnh người dân và du khách cho khỉ ăn, nhất là tại các khu vực như Miếu Đôi, trước cổng chùa Linh Ứng, khu vực trước quán Hoang Dã, cung đường ven bán đảo đoạn từ Hồ Xanh đi cây đa Sơn Trà
Tháng 2 vừa qua, Ban quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã phát động chiến dịch "tuyên truyền người dân, du khách không cho khỉ ăn tại bán đảo Sơn Trà" đến các trường học và nhận được nhiều đơn đăng ký tình nguyện. “Biệt đội” bảo vệ đàn khỉ Sơn Trà được thành lập với 8 thành viên, trong đó gồm sinh viên đến từ các trường Đại học, người dân trên địa bàn thành phố và lực lượng thuộc BQL. Họ cùng chia nhau trực từ 8h đến 10h sáng và chiều là 15h đến 17h tất cả các ngày trong tuần.
Em Trần Nguyễn Nam Tùng (tình nguyện viên, 19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Duy Tân) cho biết: Tình trạng người dân và du khách cho khỉ ăn tại bán đảo Sơn Trà diễn ra rất nhiều. Khi thấy tin tuyển tình nguyện viên của BQL, Tùng đã sắp xếp việc học của mình để đăng ký tham gia chiến dịch cùng mọi người. Cũng không ít lần Tùng và các tình nguyện viên nhận được cái nhìn khó chịu hay có lời qua tiếng lại của người dân. Những lúc như vậy, Tùng và các bạn vẫn kiên nhẫn giải thích.
Việc khách cho khỉ ăn khi đi tham quan đe dọa trực tiếp tới sức khỏe của chúng, bởi trong đó có nhiều loại thức ăn không phù hợp và mầm bệnh từ con người cũng dễ lây lan |
“Em muốn mọi người cùng tôn trọng tự nhiên hơn. Sơn Trà cũng là một "lá phổi xanh" cần được bảo vệ bằng một hành động rất nhỏ là đừng cho khỉ ăn, hãy để chúng sống với tự nhiên, với tập tính của mình. Đừng vì một bức ảnh mà khiến những con khỉ rời bỏ núi rừng để trông chờ vào con người”, em Tùng cho hay.
Cần sự chung tay
Đang trò chuyện cùng phóng viên nhưng thấy bóng xe máy nào lướt qua mà giảm tốc độ, anh Lê Khả Thiên (tình nguyện viên, 38 tuổi, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) lại quay nhìn theo. Một gia đình đưa theo 2 con nhỏ đang chỉ trỏ bầy khỉ gần đó, trên tay một em có mang theo bánh kẹo. Thấy vậy, anh Thiên chạy ngay đến nhẹ nhàng nói với em học sinh: “Con ơi, con khỉ sống ở trên rừng đã tự biết kiếm ăn rồi. Hôm nay con cho khỉ ăn mà lần sau người khác không cho thì có lúc khỉ hung dữ lên sẽ làm con bị thương”. Đứa trẻ nghe anh nói xong liền cất bánh kẹo, theo ba mẹ lên xe rời đi.
“Mặc dù bảng hiệu, quy định không cho khỉ ăn đã được BQL đặt khắp nơi nhưng tôi nghĩ một lời nhắc nhở, giải thích của tình nguyện viên lại khiến người dân hiểu và chấp hành hơn. Tôi tin mọi người sẽ dần thay đổi suy nghĩ và hành động khi lên với bán đảo Sơn Trà”- anh Thiên nói
"Biệt đội' bảo vệ khỉ ở Sơn Trà thường xuyên túc trực nhắc nhỏ du khách không cho khỉ ăn để chúng sống với tự nhiên, với tập tính của mình |
Theo ông Đỗ Lê Ân, Phó trưởng Phòng Quản lý & Khai thác du lịch (Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng), đơn vị đã ghi nhận nhiều trường hợp tai nạn giao thông từ việc du khách dừng xe ở những khúc cua, đoạn dốc để cho khỉ ăn. Khỉ thì bị cán chết còn du khách thì bị ngã xe, trầy xước. Bên cạnh đó, một số người dân cho khỉ ăn rồi xả rác sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Do đó, thông qua đội ngũ tình nguyện viên này, BQL muốn truyền một thông điệp tới cộng đồng người dân và du khách cùng chung tay, dừng ngay hành động cho khỉ ăn, tránh sự tác động của con người để loài khỉ giữ được tập tính vốn có.
“Hành vi cho động vật hoang dã nói chung và loài khỉ ở Sơn Trà nói riêng tưởng là nhân văn nhưng lại không phù hợp với trường hợp ở đây vì làm cho động vật mất bản năng tự nhiên. Đến nay vẫn chưa có thông tư hay luật quy định. Do đó, ý thức của người dân là rất quan trọng. Việc cải thiện ý thức của người dân và du khách cần thời gian dài. Đối với các giải pháp kiên quyết hơn như có chế tài xử lý, BQL cùng với ngành liên quan vẫn đang tiến hành nghiên cứu, tham mưu.”- ông Đỗ Lê Ân cho biết.