Đứng vững trên các giồng đất
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:45, 11/03/2021
Phân bố dân cư ĐBSCL cần phải tập trung, không dàn trải để tiết kiệm hạ tầng và thích ứng BĐKH, phát huy thế mạnh tự nhiên phát triển giao thông thuỷ.
Yêu cầu phát triển đô thị nông thôn vùng ĐBSCL trong định hướng quốc gia là: Bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước, gìn giữ hệ sinh thái đa dạng sinh học và thích nghi với BĐKH là yếu tố cốt lõi tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị - nông thôn vùng ĐBSCL; Thúc đẩy không gian liên kết kinh tế vùng ĐBSCL với TP.HCM, các tỉnh trong vùng với TP.HCM và khu vực tiểu vùng sông Mê Công mở rộng. Hình thành các trung tâm kinh tế tiểu vùng và hành lang kinh tế đô thị hóa, trên nguyên tắc cân bằng giữa môi trường sinh thái và kinh tế.
Theo các chuyên gia, với nguồn lực đầu tư hạn chế cho hạ tầng vùng, ít khả năng hoàn vốn ngắn hạn, vùng ĐBSCL cần chọn ra các ưu tiên cốt lõi để đầu tư xây dựng khung logistics này, thay vì trình bày bức tranh viễn cảnh toàn diện, xa vời, với một mạng lưới hoàn chỉnh.
Ảnh minh họa |
Chỉ có thể là các đầu mối hạ tầng quốc gia lớn mới đủ khả năng kéo lại sự cân bằng về phía Tây. Trong đó, một cảng biển nước sâu tại trung điểm của bờ biển Đông (ở Sóc Trăng) và một cảng biển nước sâu tại trung điểm bờ biển vịnh Thái Lan (ở Kiên Giang). Hai đầu mối này ít nhất sẽ đưa nửa lượng nông sản của vùng ĐBSCL trực tiếp ra thị trường quốc tế, thay vì vận chuyển đến các cảng Hiệp Phước, Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải. Hai đầu ra này sẽ là điểm đến của các trục giao thông - kinh tế nội vùng, san sẻ lượng giao thông đi về Đông, hiện đang dồn tụ tại Tân An, ra các cạnh phía Nam và Tây.
Phát triển vùng không lùi bước trước biển dâng. Các dự báo cho rằng, vùng ĐBSCL đang “chìm” dần trước nguy cơ nước biển dâng. Song, điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta phải di dân phần lớn ra khỏi lãnh thổ để nhường chỗ cho biển. Trái lại, chúng ta phải chuẩn bị cho một tương lai sống chung với nước mặn nhiều hơn. Hệ thống đô thị sẽ là hậu phương vững chắc để giữ đất, giữ nước; làm căn cứ cho nông thôn trong quá trình chuyển dịch kinh tế phù hợp điều kiện mới.
Bởi vậy, chính tại lúc này những hoạch định tiến ra gần hơn với biển tại các vị trí thuận lợi lại là cần thiết hơn bao giờ hết. Hệ thống đô thị, cộng với các tuyến giao thông thủy bộ kết nối nhằng nhịt giữa chúng, sẽ tạo dựng bộ khung cốt lõi cho vùng ĐBSCL. Bộ khung ấy cần đảm bảo hoạt động tốt ở cả kịch bản thấp và cao khi nước biển dâng trong 100 năm tới. Yếu tố căn bản để lựa chọn hình thái của bộ khung này là cao độ nền.
Một khi có được hệ thống đô thị và giao thông liên kết chúng đứng vững trên các giồng đất, ngay cả trong trường hợp xấu nhất của kịch bản nước biển dâng, hệ thống đó vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, cung ứng các dịch vụ phân phối, lưu thông, khoa học kỹ thuật, công cụ cho vùng sản xuất nông nghiệp xung quanh.
Các đô thị gần nhau có thể liên kết, hỗ trợ nhau trong các giải pháp thích ứng tình hình mới như xây dựng đê ngăn mặn, chuyển đổi mô hình kinh tế, đẩy mạnh giao thông thủy. Như vậy, mạng lưới đô thị “không chìm” sẽ là nền tảng căn bản để trong tương lai, chúng ta có thể giữ được đất, lấy lại đất, hoặc thích ứng một cách có lợi nhất trong tình hình mới.