Long An: Tập trung chuyển đổi cây trồng thích ứng với BĐKH
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:38, 11/03/2021
Long An tập trung chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An, trong giai đoạn 2017-2020 đã chuyển đổi cây trồng từ đất trồng lúa sang cây trồng hàng năm và cây lâu năm trên địa bàn tỉnh Long An ước khoảng trên 19.900 ha. Trong đó, chuyển đổi sang cây hàng năm là 8.263 ha, chủ yếu là đưa hấu, mè, bắp, đậu phộng; chuyển đổi sang trồng cây lâu năm trên 11.670 ha, chủ yếu là cây mai, mít, bưởi, na, sầu riêng, dứa, chanh…
Qua đánh giá, hiệu quả kinh tế từ các mô hình chuyển đổi so với trồng lúa, việc chuyển đổi sang trồng cây ngắn ngày nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,5-3 lần. Tuy nhiên, vẫn có một ít mô hình chuyển đổi không mang lại hiệu quả kinh tế do giá cả, thị trường không ổn định.
Riêng việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả như chanh, thanh long, khóm, mít… cho hiệu quả cao hơn so với trồng lúa. Cụ thể, thanh long cho lợi nhuận từ 100 - 300 triệu đồng; chanh lợi nhuận từ 70 - 150 triệu đồng/ha/năm; khóm lợi nhuận từ 70 - 200 triệu đồng/năm; riêng đối với cây mít đây là loại cây được chuyển đổi nhiều trong những năm gần đây, do giá mít dao động ở mức cao, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Ngoài ra, một số nơi vùng Đồng Tháp Mười sản xuất lúa không có lời, vì vậy một số diện tích đất trồng lúa vùng trũng này, nông dân đã chuyển hẳn sang nuôi thủy sản tập trung chủ yếu tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa,... với tổng diện tích chuyển đổi giai đoạn 2017 - 2020 là gần 3.400 ha.
Tuy nhiên, có một ít hộ dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt bước đầu có lợi nhuận nhưng về lâu dài sẽ không có tính bền vững, tác động rất lớn đến môi trường và đa dạng sinh học, nhiễm mặn vùng nước ngọt, mặn hóa vùng nuôi,... Qua đó, UBND tỉnh Long An chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp địa phương nhanh chóng và cương quyết xử lý, không để xảy ra tràn lan, tránh gây tác động xấu đến môi trường.
Nhiều mô hình chuyển đổi sang trồng cây ngắn ngày và lâu năm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa |
Theo UBND tỉnh Long An, mô hình chuyển đổi phù hợp với tình hình hạn, mặn, thời tiết, dịch bệnh đã và đang được ngành nông nghiệp tỉnh Long An triển khai hiệu quả và có tính đồng bộ. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không những mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên đơn vị diện tích, đặc biệt hạn chế được tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước bỏ vụ kéo dài.
Thời gian tới, tỉnh Long An sẽ tiếp tục tính toán tái cơ cấu sản xuất trồng trọt theo hướng chiến lược lâu dài ứng phó với BĐKH; việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cũng là những giải pháp nhằm phát triển bền vững cho nền nông nghiệp trước thách thức của BĐKH.
Giải pháp trọng tâm nhất hiện nay là quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng phù hợp. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo hướng giảm diện tích trồng lúa, hạn chế tối đa sản xuất lúa 3 vụ, tăng nhanh các ngành hàng có lợi thế so sánh và tính cạnh tranh cao. Đồng thời, xây dựng hệ thống cánh đồng lớn để từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường và ứng phó với BĐKH.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Long An, trong giai đoạn 2021- 2025 Long An sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là 54.442 ha; trong đó, cây hàng năm 42.033 ha, cây lâu năm 12.100 ha, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 309 ha.