Từng bước đưa KKT Chân Mây – Lăng Cô trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
Kinh tế - Ngày đăng : 23:51, 10/03/2021
KKT Chân Mây - Lăng Cô được thành lập vào năm 2006, có diện tích 27.108ha, nằm trên địa bàn các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô của huyện Phú Lộc, giáp ranh với TP. Đà Nẵng. Những năm gần đây, KKT Chân Mây - Lăng Cô trở thành một “đại công trường” đúng nghĩa, khi nhiều dự án, công trình lớn được đầu tư, khởi công xây dựng.
KKT Chân Mây – Lăng Cô đang thu hút nhiều dự án |
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã trực tiếp đến thăm tình hình sản xuất kinh doanh tại một số dự án đã đi vào hoạt động và đang hoàn thiện chuẩn bị đi vào hoạt động tại Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.
Trong đó, Nhà máy chế xuất Bilion MAX Việt Nam là một trong những dự án lớn tại đây, thu hút hơn 1.500 công nhân, xuất khẩu 50 mẫu mã sản phẩm đi quốc tế,.... Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã đến thăm và động viên các doanh nghiệp của các nhà máy dệt Sunjin AT và C Vina, nhà máy sản xuất Nakamoto Nhật Bản, nhà máy sản xuất đá thạch anh nhân tạo…
Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Sài Gòn - Huế cho biết, năm 2020 mặc dầu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên công ty đã đàm phán với 7 nhà đầu tư có tên tuổi của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất sử dụng công nghệ cao và công nghệ mới, các nhà đầu tư sẵn sàng ký kết thỏa thuận với công ty thuê đất để triển khai thực hiện các dự án. Hiện công ty đang có chiến lược phát triển quỹ đất và đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm không để lỡ cơ hội thu hút đầu tư.
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh tại KKT |
Giám đốc Ban Quản lý Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh – Lê Văn Tuệ cho biết, để đáp ứng tiêu chí phát triển Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đảm bảo phát triển bền vững, lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trọng tâm song song với việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, đến nay, trên địa bàn Khu Kinh tế đang triển khai thi công xây dựng Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho các dự án. Đồng thời, dành nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư có thể vào là xây dựng nhà xưởng và hoạt động ngay.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ghi nhận, đánh giá cao các dự án đầu tư vào Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, các dự án đều có tính khả thi cao, sử dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bước đầu đem lại hàng ngàn việc làm gián tiếp và trực tiếp tại chỗ. Các nhà đầu tư đều nghiêm túc trong thực hiện triển khai tiến độ dự án; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống của công nhân trong thời gian tới.
KKT Chân Mây – Lăng Cô đang tạo việc làm cho hàng ngàn công nhân |
“Các công trình hạ tầng đầu tư trên địa bàn Khu Kinh tế đã phát huy hiệu quả sử dụng, diện mạo Khu Kinh tế đã được đổi mới rõ rệt, tình hình kinh tế - xã hội khu vực phát triển nổi bật, hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc và các hạ tầng xã hội khác đã từng bước hoàn thiện, bước đầu đáp ứng nhu cầu lưu thông trong nội bộ trong Khu Kinh tế, kết nối giữa các khu chức năng tạo điều kiện tốt để các nhà đầu tư tiếp cận triển khai dự án thuận lợi và hiệu quả, góp phần thu hút đầu tư”, ông Thọ đánh giá.
Làm việc với các nhà đầu tư cảng Chân Mây số 2 và số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các đơn vị sớm thực hiện những vướng mắc còn tồn tại những hạng mục cuối cùng để đưa các dự án này đi vào hoạt động trong tháng 6 tới.
Theo đó, khi hạ tầng đáp ứng, chính quyền cởi mở, những vướng mắc về giải phóng mặt bằng được giải quyết sớm sẽ tạo động lực phát triển mới cho Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô để Khu này trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước.