Sìn Hồ - Lai Châu: Lãng phí lò đốt rác tập trung ở xã Chăn Nưa

Môi trường - Ngày đăng : 13:02, 10/03/2021

(TN&MT) - Bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây dựng lò đốt rác tập trung cho các hộ dân, nhưng chỉ sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng, hầu hết các lò đốt rác ở xã Chà Nưa, huyện Sìn Hồ đều bị bỏ không. Rác thải đổ ngay cửa lò không được xử lý. Việc giữ chuẩn tiêu chí môi trường tại xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Sìn Hồ còn nhiều khó khăn.

Mỗi lò đốt rác tại xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ có kinh phí xây dựng trên 10,7 triệu đồng.

Cuối năm 2015, xã Chăn Nưa là xã đầu tiên của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đạt được đã khó, giữ và phát huy tốt những tiêu chí còn khó hơn nên Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Chăn Nưa đã tập trung giữ vững những tiêu chí đã đạt được và hoàn thiện các tiêu chí còn yếu.

Một trong những tiêu chí đạt được nhưng lúc bấy giờ còn “non” theo lời của ông Lò Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Chăn Nưa cho biết là tiêu chí số 17 về môi trường. Thời điểm xã đạt xã Nông thôn mới, tiêu chí môi trường mới chỉ đạt trên 50%. Theo ông Phong, nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường là do đây là tiêu chí “mềm”, phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của người dân, xã đã nhiều lần vận động nhưng ý thức của người dân chưa có nhiều chuyển biến. Nhất là đối với việc xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh và xử lý rác thải.

Rác thải đổ ngay cạnh lò đốt rác không được xử lý.

Để đẩy mạnh hoàn thiện tiêu chí môi trường, đặc biệt trong xử lý rác thải, từ năm 2018, với số vốn 237 triệu đồng, xã Chăn Nưa đã đầu tư xây dựng 22 lò đốt rác, chia đều cho 8 bản (sau sáp nhập là 6 bản), trường học và khu hành chính của xã.

Lò đốt rác ngay cạnh đường Quốc lộ.

Tuy nhiên, theo PV Báo TN&MT ghi nhận, chỉ sau gần 2 năm được xây dựng, sự lãng phí từ các lò đốt rác này đã thấy rõ. Hiện, các lò đốt này gần như bỏ hoang, một số lò đã bị hỏng trong khi rác thải vẫn được đổ ngay ngoài lò, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Với lượng rác thải phát sinh không nhiều nhưng mỗi lò đốt rác ở xã Chăn Nưa lại mất trên 10,7 triệu đồng để xây dựng và… để đó! Trong khi đó, ghi nhận tại một số địa phương khác, các lò đốt rác theo nhóm hộ gia đình chỉ xây dựng với kinh phí khoảng 2 - 3 triệu đồng nhưng vẫn phát huy được hiệu quả nếu rcs thải được thu gom và xử lý.

Một số lò đốt rác đã bị hỏng, bỏ không.

Ông Lò Văn Phong cho biết: Vài năm trước xã cũng thành lập mỗi bản có một đội thu gom xử lý rác thải và thu mỗi hộ gia đình 10 nghìn đồng/ tháng để chi cho các đội thu gom rác nên việc thu gom được thực hiện thường xuyên, rác thải đổ đúng nơi quy định. Thời gian gần đây, nhiều người dân ý kiến không muốn nộp tiền đóng góp thu gom rác nữa mà chủ yếu là thu gom, xử lý tại nhà. Cùng với đó, xã không có nguồn để chi trả cho người trông coi đốt rác.

“Hiện tại, đa số các hộ dân đều có hố rác tại gia đình để thu gom rác và xử lý luôn tại nhà. Còn rác thải đổ tại trước cửa các lò đốt rác là do một số hộ kinh doanh gang đó tự ý mang đi đổ thải.” – ông Phong cho biết thêm.

Việc giữ chuẩn tiêu chí môi trường của xã Chăn Nưa còn nhiều khó khăn.

Việc các địa phương đầu tư xây dựng các lò đốt rác để xử lý rác thải phát sinh là một trong những “bước đi” đúng để hoàn thiện và giữ chuẩn tiêu chí môi trường. Tuy nhiên, quan trọng là phải phát huy được hiệu quả của các công trình, việc đầu tư cần tránh sự lãng phí. Và hơn hết, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nhằm nâng cao ý thức và hành động trong xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường. 

Hà Thuận