Bất động sản năm 2021 không dành cho nhà đầu tư “lướt sóng”
Bất động sản - Ngày đăng : 15:20, 09/03/2021
Ảnh minh họa |
Theo khảo sát, hiện nay khoảng 1/3 số lượng NĐT cá nhân không còn bị hút vào việc đầu cơ "lướt sóng". Nhiều người chấp nhận giảm lợi nhuận để đẩy hàng nhanh hơn trong mùa dịch; thậm chí là chấp nhận lỗ để thu hồi vốn. Mặc dù vậy, năm 2021 BĐS vẫn được xác định là cơ hội đối với NĐT cá nhân. Đặc biệt là nhóm NĐT có đủ tiềm lực kinh tế, họ chọn lúc thị trường đi xuống để rót tiền. Còn các NĐT “lướt sóng” thì chọn cách xuống tiền ở thời điểm thị trường sôi động.
Nhiều chuyên gia cho biết, trong giai đoạn từ 2015 đến giữa năm 2018, thị trường BĐS hồi phục và phát triển, khiến các NĐT dễ dàng "lướt sóng" khi đánh đâu thắng đó. Họ mua bán nhanh chốt lời nhanh, thậm chí tỷ suất sinh lời cao, gấp 1,5 - 2 lần. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, thị trường chững lại, nhiều người cũng có xu hướng giữ tiền mặt để dự phòng khi bất trắc, giới đầu tư buộc phải "ngủ đông".
TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, đối với những NĐT cá nhân, trong thời điểm này cần cân nhắc yếu tố vốn, vì liên quan đến công việc, đến việc giảm lương nhân viên… kéo theo việc hạn chế, sụt giảm chi tiêu và nhu cầu mua sắm BĐS. Còn đối với những NĐT có năng lực về tài chính, đây hoàn toàn có thể là một cơ hội cho họ. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc tới những kế hoạch dài hơi hơn. "Sau khi dịch qua đi, sức khỏe của nền kinh tế cũng như của toàn thị trường sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để hồi phục. Bài toán về lợi nhuận, đi kèm với thời gian và kỳ vọng của NĐT cần được tính toán chi tiết và cẩn thận trong thời gian này", TS. Khương nhấn mạnh.
Chia sẻ về thị trường BĐS năm 2021, ông David Jackson - Tổng Giám đốc của Colliers International Việt Nam cho biết, cho dù chủ đầu tư có tung ra các ưu đãi, NĐT vẫn phải thanh toán theo các giai đoạn định sẵn hoặc lãi suất khoản vay. NĐT cũng cần lưu ý rằng, các giao dịch kế tiếp có thể sẽ diễn ra chậm hơn trong giai đoạn đặc biệt này. Ngoài ra, BĐS cũng không phải là loại hình đầu tư linh hoạt như chứng khoán hay trái phiếu, vậy nên với những NĐT cần có dòng tiền liên tục thì không nên vội vàng quyết định mua BĐS dù thoạt nhìn có vẻ là khoản đầu tư đầy hứa hẹn.
Theo ông David Jackson, chỉ khi nào chắc chắn dòng tiền của bản thân có thể giúp mình chi trả được phần tiền lãi ngân hàng thì NĐT mới nên nghĩ đến việc mua BĐS. Đặc biệt, với người trẻ, nguồn tài chính hạn chế nên xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư. Trước hết, NĐT trẻ tuổi cần nắm rõ dòng tiền của mình, mức độ bản thân có thể chấp nhận rủi ro ra sao và một số yếu tố khác liên quan đến tài chính của cá nhân mình.
Trường hợp cảm thấy không thực sự tự tin với nguồn tiền của mình trong giai đoạn mà đại dịch Covid-19 đang gây khó khăn chung này, NĐT có thể nghĩ đến các khoản đầu tư nhỏ hơn như chứng khoán, trái phiếu hay tiền gửi. Trường hợp NĐT muốn bán lại BĐS để thu về lợi nhuận nhanh thì nên cân nhắc đến khả năng tìm ra người mua lại tài sản của mình, vì giai đoạn hiện tại việc giao dịch có thể sẽ không nhanh như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
“Lời khuyên cho NĐT là nên kiểm tra các thông tin về dự án như: các dự án trước đây của chủ đầu tư chất lượng ra sao, được đánh giá trên bình diện chung thế nào cũng như dự án mà mình muốn đầu tư đã có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo đúng quy định hay chưa… là những thông tin cơ bản cần điều nghiên. NĐT cũng cần hiểu rõ các thuật ngữ trong hợp đồng để nắm chắc về quyền lợi và nghĩa vụ của mình", ông David Jackson khuyến cáo.
Ông Phạm Lâm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam dự báo, mặc dù khó khăn bởi dịch bệnh, nhưng thị trường BĐS hiện nay vẫn còn cơ hội cho các NĐT. Song, thời điểm này không phải cuộc chơi của những NĐT “lướt sóng”. Quan điểm đầu tư ở giai đoạn hiện nay là phải có chiến lược mang tính chất trung và dài hạn. NĐT nên lựa chọn sản phẩm chất lượng của những nhà phát triển dự án có uy tín, có bề dày kinh nghiệm, có sản phẩm đối chứng. Trong đó, NĐT nên đầu tư ở các thị trường có nhiều lợi thế phát triển ổn định, tránh tình trạng đầu tư vào các sản phẩm giá rẻ, không an toàn, thiếu tính bền vững.
Dưới góc độ tài chính, các chuyên gia tư vấn phân tích, thị trường khó khăn chính là cơ hội tốt cho các NĐT dài hạn, bởi họ luôn hướng đến khoản lợi nhuận từ 3-5 năm chứ không “lướt sóng”. Khi thị trường khó khăn lại giúp các NĐT dài hạn có thể thâu tóm được những sản phẩm BĐS có giá trị mà không phải cạnh tranh quá nhiều. Khả năng về vốn tốt giúp các NĐT dài hạn không cần sử dụng tới đòn bẩy tài chính và đây chính là thuận lợi lớn nhất của nhóm này. Dù BĐS đang được đánh giá là lựa chọn khôn ngoan của NĐT trong giai đoạn khó khăn nhưng các chuyên gia cho rằng, NĐT không nên nuôi kỳ vọng sinh lời cao trong ngắn hạn mà cần xác định mục tiêu đầu tư dài hạn để đảm bảo an toàn.