Ứng dụng các công trình nghiên cứu KHCN vào bảo vệ môi trường
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 11:26, 09/03/2021
Chương trình xây dựng nhằm thống nhất quản lý Nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường, được thực hiện dựa trên 2 mục tiêu chính: Bổ sung và hoàn thiện giải pháp, công cụ quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học đảm bảo phát triển bền vững; Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam trong dự báo, phòng ngừa, kiểm soát, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm, khắc phục hậu quả và sự cố môi trường.
Qua 5 năm triển khai Chương trình, Bộ TN&MT đã tổ chức đánh giá, tổng kết những kết quả đạt được để đưa ra định hướng cho giai đoạn sắp tới. Nhìn chung, các đề tài của Chương trình phù hợp với mục tiêu và các nội dung nghiên cứu. Đặc biệt, Chương trình KC.08/16-20 có 31 nhiệm vụ, 11 nhiệm vụ đang được triển khai thực hiện thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, tập trung vào giải quyết các vấn đề môi trường lớn đang gây bức xúc cho cộng đồng và xã hội. Các công trình tập trung nghiên cứu công nghệ khắc phục ô nhiễm các vùng trọng điểm như lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ảnh: MH |
Đối với Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025” do Bộ Công Thương chủ trì (QĐ192/QĐ-TTg ngày 13/2/2017), Đề án đã đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ lớn, trong đó, nhóm nhiệm vụ số 2 về “Phát triển công nghệ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững, tài nguyên và phục hồi môi trường” và số 3 về “Phát triển sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường” có liên quan trực tiếp đến nội dung chương trình cấp Bộ của Bộ TN&MT.
Theo Vụ KH&CN, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong quản lý và bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020” được thực hiện dựa trên 3 nội dung chính, gồm: Nghiên cứu, xây dựng giải pháp, công cụ quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học đảm bảo phát triển bền vững; Phát triển và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong bảo vệ môi trường phù hợp điều kiện Việt Nam và nghiên cứu những vấn đề về bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập quốc tế.
Các công trình nghiên cứu đã đạt được chỉ tiêu khá cao khi có 100% nhiệm vụ có kết quả được công bố trên tạp chí khoa học công nghệ chuyên ngành; 60% các giải pháp, phương pháp, mô hình, thiết bị, công nghệ được triển khai thực tế; 80% các kiến nghị giải pháp, công cụ quản lý đề xuất được áp dụng phục vụ quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; 50% nhiệm vụ góp phần đào tạo tiến sĩ hoặc thạc sĩ chuyên ngành; Chỉ tiêu về cơ cấu nhiệm vụ khi kết thúc chương trình; 50% đề tài, dự án áp dụng các giải pháp, tiến bộ KH&CN phù hợp với điều kiện Việt Nam trong quan trắc, cải tạo, phục hồi và xử lý ô nhiễm môi trường; 30% kết quả được ứng dụng nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật và hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; 20% kết quả làm tiền đề cho việc nghiên cứu ứng dụng ở giai đoạn tiếp theo.
Đến nay, có 26 nhiệm vụ mở năm 2015 và 2016 đã nghiệm thu (đạt 100%, đúng tiến độ), các nhiệm vụ còn lại vẫn đang tiếp tục được triển khai. Trong số nhiệm vụ nghiệm thu, có 4 nhiệm vụ đã đạt xuất sắc, gồm: TNMT.2015.04.10: Lượng giá kinh tế do xói lở - bồi tụ tại khu vực cửa sông ven biển nhằm phục vụ công tác quản lý; TNMT.2015.04.14: Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất bộ tiêu chí kinh tế xanh áp dụng trong lĩnh vực quản lý TN&MT; TNMT.2015.04.24. Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, xây dựng quy trình và hướng dẫn lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh; TNMT.2016.04.14: Nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải bằng hồ sinh học phủ hệ thực vật thủy sinh Cỏ Lông Tây (Brachiaria mutica), áp dụng thí điểm xử lý nước thải công nghiệp tại khu công nghiệp Q.12, TP.HCM.
Cũng theo Vụ KH&CN thông tin, dự kiến các đề tài thuộc Chương trình có khả năng đáp ứng được các chỉ tiêu cơ bản của Chương trình đã đặt ra. Khung chương đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở khoa học để xây dựng cơ chế, chính sách các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý Nhà nước lĩnh vực bảo vệ môi trường; xây dựng các công cụ kỹ thuật cho triển khai hoạt động bảo vệ môi trường; góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu KH&CN của Bộ.