Thách thức trong phát triển hạ tầng ĐBSCL

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:25, 09/03/2021

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động tới tất cả các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, tài nguyên vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng với việc hình thành nhiều khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn tập trung, kéo theo dân số đô thị tăng nhanh cũng đã mang lại nhiều lợi ích cho vùng ĐBSCL song cũng không ít những rủi ro như đối mặt với thiên tai và sự biến đổi về môi trường là thách thức mà các đô thị trong vùng đang đối mặt là làm thế nào để thích ứng hệ thống hạ tầng kỹ thuật với ảnh hưởng của BĐKH.

Với 13 tỉnh/thành phố, chiếm 12,3% diện tích toàn quốc, hiện ĐBSCL có 174 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng trên 31%, thấp hơn so với tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước (gần 40%).

Ảnh minh họa

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tại vùng ĐBSCL trong thời gian vừa qua đã được các cấp chú ý đầu tư xây dựng đã góp phần rất lớn đối với sự phát triển của các đô thị trong vùng. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch bình quân toàn vùng đạt khoảng 89,6% (tăng 1,5% so với năm 2017); Tổng lượng nước thải sinh hoạt toàn vùng khoảng 1 triệu m3/ngày. Việc xử lý nước thải đô thị còn hạn chế do thiếu nguồn vốn, khó thu hút đầu tư vì hiệu quả đầu tư thấp.

Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị toàn vùng được thu gom khoảng hơn 4.300 tấn/ngày, đạt khoảng 78% (tăng 3% so với năm 2017). Toàn vùng hiện có khoảng 10 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung đang hoạt động, tổng công suất thiết kế đáp ứng khoảng 30% lượng chất thải rắn phát sinh.

Toàn bộ 13 tỉnh, thành phố trong vùng đã lập và phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn, làm cơ sở để tổ chức quản lý chất thải rắn và triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn.

Theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, dân số toàn vùng khoảng 18 - 19 triệu người, trong đó, dân số đô thị khoảng 6,5 - 7,5 triệu người; tương ứng tỷ lệ đô thị hóa 35% - 40%, đây là tỷ lệ thấp hơn so với tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội thế giới và cả nước biến động khó lường, cùng với các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên khí hậu, địa chất của khu vực, có thể thấy, việc phát triển hệ thống hạ tầng đô thị phải vượt qua nhiều thách thức.

Tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến nhu cầu mở rộng đất đô thị lớn, đòi hỏi phải hoàn thiện chính sách, pháp luật để đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong khi đó, tại một số địa phương, công tác quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch còn chưa nghiêm, chưa hiệu quả. Một số đô thị đang phải đối mặt với tình trạng không đồng bộ, quá tải về hạ tầng như: tình trạng thiếu kết nối, ùn tắc về giao thông, hệ thống cấp nước bị nhiễm mặn, thoát nước còn tình trạng ngập úng cục bộ, còn thiếu công trình xử lý nước thải, rác thải,...

Hệ thống giao thông trong vùng hiện đang được chú ý đầu tư phát triển, trong thời gian ngắn tới đây, các đường cao tốc kết nối từ TP.HCM về các tỉnh trong vùng sẽ được hoàn thiện. Đây là yếu tố rất thuận lợi tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với các địa phương cần phải có sự chuẩn bị trước phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, tạo sự đồng bộ để quá trình phát triển được hài hòa và bền vững.

Vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những vấn đề nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai. Các hiện tượng như nhiệt độ tăng, nước biển dâng, sụt lún nền đất, lũ lụt, hạn hán và nhiễm mặn xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật, làm mất an toàn, xáo trộn cuộc sống người dân.

Với các điều kiện bất lợi về địa chất, địa chất thủy văn, việc xây dựng hệ thống hạ tầng tại khu vực ĐBSCL là thách thức không nhỏ đối với sự phát triển công trình hạ tầng kỹ thuật.

Nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL là rất lớn trong khi các nguồn lực còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách. Do đó, cần có các chính sách, hoạt động ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ trong Chiến lược phát triển đô thị của vùng ĐBSCL.

Ngọc Lý