Kim Bảng - Hà Nam: Khoáng sản bị "đánh cắp", chính quyền địa phương ở đâu?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 12:26, 06/03/2021
Buông lỏng quản lý gây thất thoát tài nguyên, khoáng sản
Ngày 01/03, Báo Tài nguyên và Môi trường có bài “Hà Nam: Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Tiến Đạt nhiều năm khai thác đất trái phép” phản ánh việc từ nhiều năm qua, lợi dụng việc được chính quyền tỉnh Hà Nam chấp thuận cho đầu tư và cho thuê đất để thực hiện dự án xây dựng Nhà máy sản xuất cống bê tông và gạch không nung xi măng cốt liệu, Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Tiến Đạt đã khai thác đất trái phép, vận chuyển ra ngoài để tiêu thụ gây thất thoát tài nguyên, khoáng sản và làm ảnh hưởng tới diện tích canh tác của nhiều hộ dân.
Từ năm 2018, Chính quyền huyện Kim Bảng kết luận công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Tiến Đạt khai thác đất trái phép. |
Ngay sau khi Báo phản ánh, cùng ngày Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam đã vào cuộc để kiểm tra việc khai thác đất tại Công ty TNHH Vận tải và Xây Dựng Tiến Đạt thuộc thôn Do Lễ, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng. Cụ thể: Sở Tài nguyên và Môi trường xác định có hiện tượng Công ty Tiến Đạt khai thác đất trái phép tại khu vực Hang Diêm, khai thác vượt mốc giới theo quyết định giao đất, cho thuê đất tại Quyết định số 325/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Nam. Việc Công ty này khai thác đất trái phép còn lấn sang diện tích 7000m2 của các hộ ông Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Văn Chung, Phạm Thị Sửu, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Văn Thế đang sản xuất, trồng cây cối, hoa màu.
Sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh năm 2021, Sở TN&MT kiểm tra thì phát hiện Công ty này khai thác vượt mốc giới sang đất của người dân 7000m2. |
Trước đó, ngày 2/2 những hộ dân trên cũng đã gửi đơn kiến nghị tới UBND xã Liên Sơn, UBND huyện Kim Bảng về việc Công ty TNHH Vận tải và Xây Dựng Tiến Đạt khai thác đất trái phép làm sạt lở đất đồi, làm hư hại cây cối, hoa màu. Sau khi nhận được phản ánh, UBND xã Liên Sơn đã lập biên bản yêu cầu Công ty dừng ngay việc khai thác trái phép, đưa máy móc, thiết bị ra ngoài khu vực, phạm vi, lên phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân tại đây.
Tuy nhiên, việc lập biên bản, yêu cầu Công ty dừng hoạt động của chính quyền huyện Kim Bảng, xã Liên Sơn cũng chỉ nằm trên giấy, còn về phía Công ty Tiến Đạt thì vẫn hằng ngày đưa xe vận tải vào chở đất đi tiêu thụ, kiếm lời bất chính, bất chấp pháp luật; người dân thì vẫn chỉ biết mang đơn đi các cơ quan chức năng kiến nghị để đòi lại quyền lợi.
Khối lượng tài nguyên khủng bị Công ty Tiến Đạt "đánh cắp" trong thời gian dài nhưng không bị xử lý. |
Điều đáng nói, những sai phạm nghiêm trọng tại Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Tiến Đạt gây thất thoát tài nguyên, hao hụt ngân sách nhà nước chính quyền huyện Kim Bảng, xã Liên Sơn đều biết. Việc này thể hiện rõ tại hàng loạt biên bản kiểm tra thực địa Công ty Tiến Đạt của UBND huyện Kim Bảng, UBND xã Liên Sơn. Theo đó, từ đầu năm 2018 đến cuối năm 2020, Công ty này liên tục dùng máy xúc để khai thác đất, đá… rồi sau đó dùng xe vận tải để chuyển số tài nguyên khai thác được mang ra khỏi địa bàn để đi tiêu thụ.
Tại các biên bản kiểm tra cũng khẳng định, việc khai thác tài nguyên, đất, đá của Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Tiến Đạt tại dự án xây dựng Nhà máy sản xuất cống bê tông và gạch không nung xi măng cốt liệu là việc làm sai, không được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.
Mỗi ngày có hàng chục xe vận chuyển đất đi tiêu thụ. |
Ngày 08/07/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam có văn bản số 1110/STN&MT-KS về việc khai thác, thu hồi khoáng sản khi triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình gửi UBND huyện Kim Bảng đề nghị huyện yêu cầu Công ty TNHH vận tải và xây dựng Tiến Đạt dừng hoạt động khai thác, vận chuyển sét tại khu vực Hang Diêm; lập biên bản, xử lý vi phạm đối với hành vi khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; có văn bản báo cáo UBND tỉnh và gửi Sở Tài nguyên và Môi trường về hoạt động của dự án trên, công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn huyện và kết quả xử lý. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến thời điểm hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được báo cáo của UBND huyện Kim Bảng và kết quả xử lý vi phạm.
Mặc dù đã được yêu cầu kiểm tra, xử lý nhưng chính quyền huyện Kim Bảng vẫn để tình trạng này diễn ra. |
Tỉnh "cần" nhưng... huyện "không vội"?
Ngày 4/2, tại hội nghị gặp mặt các cơ quan báo chí do UBND tỉnh Hà Nam tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy bày tỏ sự thiện chí, cầu thị, luôn sẵn sàng cung cấp thông tin, kịp thời xử lý những thông tin mà các cơ quan báo chí phản ánh, thông tin.
Tại hội nghị gặp mặt các cơ quan báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam bày tỏ sự thiện trí, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để phóng viên tác nghiệp, cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí. Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền huyện Kim Bảng lại có biểu hiện sự thờ ơ, né tránh cung cấp thông tin như sự bưng bít thông ton vụ việc báo chí phản ánh. |
Tuy nhiên, liên quan đến việc quản lý tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác tại địa bàn huyện Kim Bảng, mà trách nhiệm trực tiếp là của địa phương. Ngày 4/3, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có điện thoại liên hệ với ông Lưu Trần Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng đề nghị được làm việc, để làm rõ thông tin về việc quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn. Cụ thể làm rõ việc khai thác đất trái phép tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất cống bê tông và gạch không nung xi măng cốt liệu của Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Tiến Đạt và phương hướng xử lý tại đây. Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền huyện Kim Bảng bày tỏ sự thờ ơ, từ chối trao đổi và cung cấp thông tin cho báo chí.
“Tôi nhớ không nhầm thì nội dung Báo phản ánh việc khai thác đất trái phép tại Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Tiến Đạt tôi đã giao cho các phòng chuyên môn nghiên cứu. Việc này huyện sẽ trả lời, không cần phải trao đổi đâu, chúng tôi đang bận họp”, ông Lưu Trần Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng nói.
Trước sự việc, từ "vỏ bọc Dự án", doanh nghiệp này đã qua mặt chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, vô tư múc đất đi bán kiếm lời bất chính nhiều năm, tài nguyên khoáng sản đang bị "chảy máu", thất thoát với khối lượng khủng. Chính quyền huyện Kim Bảng biết nhưng thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, mặc cho doanh nghiệp “đánh cắp” tài nguyên, gây ảnh hưởng tới đời sống người dân. Dư luận đặt ra câu hỏi, khi doanh nghiệp đánh cắp tài nguyên thì chính quyền huyện Kim Bảng đang ở đâu? Đây là biểu hiện yếu kém trong công tác quản lý hay có sự “bắt tay, lợi ích nhóm”, cố tình “nhắm mắt làm ngơ”?
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!