Ba mươi năm tìm tiếng gọi của đồng đội từ lòng đất
Xã hội - Ngày đăng : 03:16, 06/03/2021
Bà Nghĩa chuẩn bị đồ lễ cúng các liệt sĩ |
Đồng đội dưới tầng đất lạnh
Trong chiếc áo nâu sòng của người hướng thiện, bên bàn nước đặt nơi phòng khách trong khuôn viên đền thờ liệt sĩ, bà Nghĩa không kể về những tháng ngày gian khổ dặm trường khoác ba lô lặn lội vào rừng sâu, vực thẳm, núi cao, đảo xa để tìm hài cốt đồng đội, mà chỉ kể về niềm tự hào được đi làm việc nghĩa - việc mà ngoài khả năng ngoại cảm đặc biệt thì chỉ có tình đồng đội thiêng liêng ngấm vào máu thịt mới có thể làm được. Điều hạnh phúc nhất trong hành trình tìm kiếm đồng đội, là đưa xương cốt liệt sĩ về với gia đình, xoa dịu một phần nỗi đau cho những người đang sống. Đó là lý do duy nhất để bà Nghĩa hi sinh hạnh phúc riêng tư, gác lại tất cả công việc đời thường để tìm mộ liệt sĩ.
Tháng 6/1970, cô thôn nữ Vũ Thị Minh Nghĩa ở thôn Kim Thành, xã Thái Sơn huyện Thái Thụy, Thái Bình tạm biệt gia đình vào bộ đội. Sau những ngày huấn luyện gian khổ ở đơn vị 4090 thuộc Đoàn 251 Quân khu 3, Nghĩa cùng đồng đội vào chiến trường làm nhiệm vụ của một người lính. Trong quãng thời gian từ cuối năm 1970 đến tháng 4/1975, cô đã cầm súng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đến năm 1979, cô được xuất ngũ và chuyển ngành, nhưng do yếu sức khỏe nên Nghĩa trở về địa phương.
Vào một ngày tháng 8/1995, tỉnh dậy sau 28 tiếng “chết lâm sàng”, trong người Nghĩa có gì đó khác lạ. Bất chợt cô nghe văn vẳng trong đầu những tiếng kêu cứu của đồng đội cũ “đồng chí ơi. Hãy trở lại chiến trường cũ đưa hài cốt chúng tôi về”.
“Bao ký ức những ngày cầm súng chiến đấu trên chiến trường tự dưng ùa về. Nhiều đêm tôi không chợp mắt vì trong đầu liên tục có tiếng đồng đội gọi vọng lên từ lòng đất. Lúc đó, tôi trong người tôi như có một luồng điện vô hình mạnh mẽ. Tim tôi như có lửa thúc giục tôi phải đi tìm đồng đội. Vậy là khoác ba lô lên đường”, bà Nghĩa nhớ lại.
Bà Nghĩa kể chuyện 30 năm đi tìm hài cốt đồng đội tại nhà riêng ở Hòa Long, TP. Bà Rịa |
Cuộc hành trình đầu tiên đi tìm kiếm mộ liệt sĩ bắt đầu vào cuối tháng 8/1995. Hành trang Nam tiến tìm đồng đội vẻn vẹn 600.000 đồng bán từ khoai, lúa và chiếc ba lô sờn cũ còn lại từ thời ở chiến trường. Sau 3 ngày đêm đi xe đò từ Thái Bình, điểm dừng chân là thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương. Tại đây, bà đã mua 10 kg gạo, 5 kg mì tôm, một cái cuốc chim, li lon, dây dù, võng rồi vào rừng. Nơi đây năm 1967 là chiến trường D diễn ra trận chiến đấu ác liệt giữa quân giải phóng miền Nam và Mỹ, Ngụy, có hàng ngàn bộ đội đã hi sinh. Chặt cây rừng dựng tạm lều cạnh một gốc sung. Bằng linh cảm của người đã từng cầm súng chiến đấu trên chiến trường ấy, bà hiểu hài cốt của đồng đội đang nằm sâu trong lòng đất, ngay dưới chân bà. Thắp nén hương xin đưa các anh về với gia đình, bà cầm cuốc chim đào một ụ đất cạnh rìa suối. Sau một tầng đất dầy, một bộ hài cốt hiện lên. “Lúc đó tôi đã òa khóc. Cầm mảnh xương đùi của đồng đội ấp vào ngực nói rằng, đồng chí ơi hãy để tôi đưa đồng chí trở về với gia đình”, bà Nghĩa hồi tưởng.
Với 10 kg gạo, 5 kg mì tôm, bà Nghĩa chỉ dự kiến ở lại rừng tìm mộ một tháng rồi trở ra, nhưng bà không thể trở ra được, vì hài cốt ở đó rất nhiều. Bà quyết định ở lại rừng tìm kiếm đồng đội. Chỗ ở của bà là một hố nhỏ dưới gốc sung. Ngày bà đi tìm di cốt liệt sĩ, tối về ngủ trong hầm. Chặt cây rừng làm giàn. Những bộ hài cốt tìm được bà gói cẩn thận xếp gọn trên đó. Giữa rừng sâu núi thẳm, bà làm bạn với chim muông. “Lúc đó trong người tôi có một sức mạnh rất lại. Có đêm mưa rừng trút nước, tôi lên cơn sốt đùng đùng, nhưng sáng mai tự nhiên khỏe lại. Số gạo, mì tôm cạn dần, tôi phải đào chuối rừng, lấy thân ăn trước, củ ăn sau. Ăn tất cả những gì trong rừng có thể ăn được. Một gói mì tôm chia làm bốn ngày nấu cho nước suối nấu với củ chuối để cầm cự. Mỗi lần đào được một hài cốt đồng đội, tôi như tìm thấy người thân yêu của mình, đó cũng là lý do tôi quyết định bỏ quê hương, gia đình đi tìm mộ liệt sĩ”, bà Nghĩa kể lại.
Những kỷ niệm không quên
Trong hành trình 30 năm đi tìm đồng đội, bà Nghĩa không kể xiết bao lần lội suối trèo đèo, bàn chân bà bao lần đặt chân đến địa danh khác nhau trên mọi miền Tổ quốc, song mỗi lần đào được một hài cốt liệt sĩ, bà không thể nào quên. “Nhiều lắm, 30 năm, tôi không thể nào nhớ hết được những nơi đã đến tìm mộ, nhưng kỷ niệm tôi không bao giờ quên được đó là lần cùng 15 đồng đội chuyển 12 bộ hài cốt trả lại cho gia đình từ Quảng Bình ra Hà Nội”. Bà Nghĩa mắt rưng rưng nhìn ra phía hiên nhà, nơi có những tiểu sành còn trống chờ hài cốt liệt sĩ từ chiến trường về.
Tháng 9/2001, sau một tháng vào rừng tìm kiếm, bà Nghĩa đem về hơn 100 hài cốt liệt sĩ. Những hài cốt có danh tính ở miền Đông, miền Tây Nam Bộ đều được bà thông báo cho gia đình người thân đến nhận. Trong số ấy có 12 bộ hài cốt không có thân nhân đến nhận đem về, mặc dù, bà đã viết thư theo địa chỉ danh tính của từng liệt sĩ. Nhưng bà nhận được thư hồi âm họ không có tiền vào Nam để đưa hài cốt về. Không thể để xương cốt đồng đội lạnh lẽo trong khi gia đình, người thân của họ vẫn ngày đêm chờ đợi. Bà quyết định đem 12 bộ hài cốt tới tận gia đình các liệt sĩ.
Bà Minh Nghĩa được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc ông sinh thời. Ảnh chụp tư liệu |
Khởi hành từ Hòa Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, hành trang đem theo là 1,2 triệu đồng, một chai nước và 3 cái bánh mình. Cùng đồng hành trong chuyến đi nghĩa tình ấy có 15 chiến sĩ là đồng đội cũ của bà. Điểm trao trả hài cốt liệt sĩ đầu tiên trong chuyến hành trình này là một gia đình ở huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Đó là một chiều chập choạng tối. Một bà cụ già ngồi bên bậu cửa dưới mái nhà rách nát. Khi bà Nghĩa nói chúng con đem hài cốt của anh Linh về cho mẹ, cụ già đã úp mặt vào xương cốt con trai òa khóc. “Khi tôi trao xương cốt anh Linh cho bà cụ, bà gào lên kêu Linh ơi, Mạ đã chờ con hơn 40 năm. Mạ đã khóc đến lòa hai mắt. Mạ tìm được con rồi nhưng mạ lấy tiền đâu mà làm ma cho con”, bà Nghĩa hồi tưởng lại. Không thể để cụ gánh thêm một nỗi đau, bà Nghĩa đã gửi lại cụ già 500.000 đồng để lấy tiền chôn cất xương cốt anh Linh.
Một kỷ niệm khác cũng luôn đau đáu trong tim bà trong suốt hành trình đi tìm đồng đội. Đó là lần về Cầu Voi tỉnh Long An để tìm hai đồng đội của bà đã hi sinh tại đây trong trận địch dội bom vào tuyến phòng thủ của ta trước ngày miền Nam giải phóng năm 1975. Mặc dù, đã được đồng đội báo mộng hài cốt của họ nằm đè lên 42 quả lựu đạn, phải cẩn thận khi đào đất và nhặt cốt, nhưng khi đào đến lớp đất thứ hai, xương cốt đồng đội lộ rõ, bà đã quên lời báo mộng. Tay phải nhặt xương cốt, tay trái bà nhặt lựu đạn để gọn sang một bên. Khi hai bộ hài cốt xếp gọn trong ba lô, bà mới nhớ lời đồng đội báo mộng. Vậy là khoác ba lô chạy. “Nhìn thấy xương cốt đồng đội là mừng rồi. Vừa khóc vừa nhặt xương, vừa nhặt mìn chứ đâu quản hiểm nguy là gì. Xong rồi nghĩ lại mới thấy sợ. 42 quả lựu đạn tôi xếp lại một một chỗ, phủ đất lên và cắm biển nguy hiểm để cảnh báo người dân. Hai bộ hài cốt đó là hai nữ công binh bị sập hầm sau khi bom Mỹ dội vào đội hình phòng thủ của Sư đoàn bộ binh 9 lúc đó”, bà Nghĩa kể lại.
Ước nguyện cuối đời
Bà Nghĩa chỉ lên những tấm di ảnh liệt sĩ đặt trân trọng trên giá treo kín tường nhà, đó là những di ảnh được thân nhân của liệt sĩ tặng bà sau khi họ nhờ bà tìm thấy hài cốt. Dừng lại trước tấm ảnh bà đứng giữa hơn một ngàn bộ hài cốt được phủ kín cờ Tổ quốc, bà bảo: “Ước nguyện những ngày tháng cuối đời của tôi là tiếp tục đi tìm hài cốt liệt sĩ. Chỉ cần có thông tin mộ liệt sĩ nằm nơi đâu đó là tôi sẵn sàng lên đường. Khi xương cốt của đồng đội tôi còn nằm lạnh lẽo ở rừng sâu, trong lòng đất chưa được trả lại cho người thân, tôi cảm thấy mình có lỗi với họ”.
Bà Nghĩa bật khóc. Chẳng ai biết bà đã khóc bao lần mỗi khi nhìn thấy xương cốt đồng đội nằm sâu trong lòng đất do chính tay bà đào lên trong suốt 20 năm đi tìm mộ liệt sĩ. Nhưng, giọt nước mắt hôm nay, ngoài nỗi đau đáu xót thương cho bao đồng đội vẫn nằm lạnh lẽo nơi rừng sâu, vực thẳm, có cả niềm vui. Bởi bà đã góp phần xoa dịu nỗi đau của bao gia đình Việt Nam có con, em hi sinh anh dũng trong cuộc chiến trường chinh của dân tộc.