Khánh Hòa: Ai chịu trách nhiệm khi rừng Suối Tân bị đốn hạ?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 19:54, 05/03/2021

(TN&MT) - Vào những ngày giáp Tết và trong Tết Tân Sửu, nhiều diện tích rừng thuộc tiểu khu 231, núi Đá Hang, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm bị “triệt hạ” không thương tiếc, khiến nhiều người bàng hoàng và bức xúc. Dư luận cho rằng, tình trạng phá rừng ở Suối Tân diễn ra liên tiếp và không bị xử lý thì trách nhiện chính quyền xã Suối Tân và huyện Cam Lâm ở đâu?

Rừng bị triệt hạ xảy ra liên tiếp

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đến khu vực núi Đá Hang thuộc xã Suối Tân, huyện Cam Lâm những ngày sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, chứng kiến nhiều cánh rừng tại đây bị tàn phá rất nghiêm trọng. Tại tiểu khu 231, núi Đá Hang một khoảng rừng tự nhiên tái sinh rất lớn đã bị đốn hạ.

Rừng tái sinh 15 năm tuổi ở núi Đá Hang, xã Suối Tân vừa bị đốn hạ

Hàng loạt cây gỗ quý có đường kính từ 20 – 40cm tại đây bị cưa hạ ngổn ngang, nhựa ứa ra còn tươi mới. Nhiều cây gỗ nhỏ vừa bị chặt phá chất thành đống chuẩn bị cho vào lò đốt than. Ngay giữa những cánh rừng vừa bị phá là những lò than do các đối tượng phá rừng ngang nhiên dựng lên.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Mỹ Hằng cho biết: Công ty chúng tôi được chính quyền địa phương giao quản lý, bảo vệ, chăm sóc 355ha rừng tái sinh tự nhiên tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa hơn 15 năm qua. Tình trạng phá rừng đốt than, chiếm đất làm rẫy trồng xoài, chuối, mít tại đây diễn ra nhiều năm nay rồi (trên 6 năm).

“Công ty và người dân nhiều lần gửi đơn phản ánh tình trạng phá rừng đến các cấp chính quyền. Nhưng càng phản ánh, càng gửi đơn thì phá rừng diễn ra càng nhiều. Nếu chính quyền không hỗ trợ, không đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp thì công tác bảo vệ rừng sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, bà Hằng cho biết.

Nhiều cây rừng có đường kính từ 30-40cm bị chạt phá không thương tiếc

Theo bà Hằng, rừng khu vực núi Đá Hang là nguồn tài nguyên rất quý hiếm. Rừng nơi đây có vai trò giữ nguồn nước ngầm cho cả khu vực dân cư rộng lớn, chống sói mòn, hạn hán. Nhiều nhà đầu tư đã đến đây khảo sát tiềm năng phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng này. Nếu mất rừng, thì giá trị tài nguyên ở đây sẽ không còn nữa, nơi đây trở thành các đồi đất trơ trọi, sỏi đá vô hồn.

“Suốt 15 năm qua, công ty chúng tôi bỏ nhiều công sức, tiền của để nuôi dưỡng những cánh rừng nơi đây, mong muốn giữ được tài nguyên để phát triển du lịch, tạo điểm nhấn cho quê hương. Nếu rừng mất, thì bao nhiêu công sức, tâm huyết và tuổi trẻ của nhiều người trở thành vô nghĩa”, bà Hằng thổ lộ.

“Cứ nghe tiếng máy cưa phá rừng là lòng tôi giật thon thót! Tim đau nhói. Suốt 15 năm qua, làm việc quần quật trong rừng, bán đi cả tuổi trẻ chỉ mong bảo vệ “lá phổi xanh” cho vùng đất này. Nay rừng cứ mất, “máu rừng cứ chảy” ai mà chẳng xót xa”, bà Hằng rưng rưng nói.

Đơn vị bảo vệ rừng tới hiện trường rừng bị tàn phá

Theo người dân tại địa phương, khu vực núi Đá Hang có đến trên 1.000ha rừng tái sinh và đất lâm sinh trải dài trên địa phận các xã Cam Hòa, Cam Tân và Suối Tân huyện Cam Lâm. Xưa, núi rừng được bảo vệ tốt nên môi trường sống không có nhiều xáo trộn. Khoảng 5-6 năm nay, phá rừng làm rẫy ở xã Suối Tân diễn ra liên tục, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, nhiều diện tích đất rừng trở thành nương rẫy của nhiều đối tượng.

Người dân còn cho biết, nhiều vụ phá rừng quy mô, chính quyền xã Suối Tân, Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lâm chỉ đến lập biên bản qua loa rồi để đó mà không xử lý? Hồ sơ vụ việc phá rừng cũng không được chuyển đến cơ quan điều tra yêu cầu khởi tố vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Khuê - Chủ tịch UBND xã Suối Tân lại cho rằng: Việc khai hoang làm rẫy trên diện tích đất rừng trước năm 2003, được xem là hợp pháp và không xử lý được. Còn phá rừng làm rẫy sau năm 2003 có xảy ra và xã có đi kiểm tra và lập biên bản xử lý. Đến nay thì tình trạng phá rừng làm rẫy ở địa bàn xã Suối Tân không còn. Ông Khuê còn cho biết, các nội dung khác thì đặt lịch với Văn phòng UBND xã để nghiên cứu trả lời.

Có hay không “trên bảo dưới không nghe”?

Để chấn chỉnh tình trạng phá rừng ở xã Suối Tân, ngày 23/6/2020, ông Trần Minh Thu, Phó Chi Cục Kiểm lâm - Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa đã ký văn bản gửi Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Cam Lâm yêu cầu phối hợp kiểm tra, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép tại xã Suối Tân.

Công văn nêu rõ: “UBND xã Suối Tân phối hợp, kiểm tra ngăn chặn tình trạng chặt cây đốt than, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép; lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại lô 840 khoảnh 1, Tiểu khu ST242A, xã Suối Tân theo phản ánh của nhân dân, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm”.

Trong công văn này, ông Trần Minh Thu còn nhấn mạnh: “Tăng cường công tác phối hợp với UBND xã Suối Tân và các cơ quan có liên quan tổ chức bảo vệ rừng thuộc sở hữu toàn dân, chưa giao, chưa cho thuê. Đặc biệt là đối với diện tích rừng thuộc Tiểu khu ST242A, xã Suối Tân theo quy định tại điểm c, Điều 102, khoản b, Điều 104 Luật Lâm nghiệp; điểm I, khoản 3 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng”.

Lò đốt than được dựng lên trong những khoảng rừng bị phá

Trước đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa đã có Công văn 1168/SNN/KL do Phó Giám đốc Đỗ Anh Thy ký gửi UBND huyện Cam Lâm về việc đề nghị phối hợp xử lý tình trạng lấn chiếm đất rừng và chặt phá cây rừng trái phép tại khu vực xã Suối Tân. Công văn nêu rõ: “Đề nghị UBND huyện chỉ đạo UBND xã Suối Tân và các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn tăng cường phối hợp tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý tình trạng xâm phạm đất rừng, chặt phá cây rừng trái phép trên địa bàn”.

Công văn trên cũng cho thấy, sự vi phạm nghiêm trọng của tình trạng chặt phá cây rừng tại xã Suối Tân là có thật và vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên, thật khó hiểu chính quyền xã Suối Tân và Hạt Kiểm Lâm Cam Lâm vẫn chưa xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng tại Suối Tân.

Nhiều khoảnh rừng bị chặt hạ rất lớn, cây khô bị đốt để lất đất làm rẫy

Sau nhiều lần đi tìm hiểu về tình trạng phá rừng mà người dân phản ánh, chúng tôi cũng đã gửi hình ảnh ghi tại hiện trường về tình trạng phá rừng ở Suối Tân đến Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa nắm bắt, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, sau nhiều ngày chờ đợi, đến nay tình trạng phá rừng chiếm đất ở Suối Tân vẫn chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để là điều khó hiểu?

Thiết nghĩ đã đến lúc UBND tỉnh Khánh Hòa cần vào cuộc, chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng, chiếm đất ở xã Suối Tân theo quy định pháp luật.

Mỹ Bình - Xuân Hướng