Tuyên Quang phấn đấu là điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp
Trong nước - Ngày đăng : 19:51, 05/03/2021
Tuyên Quang là cứ điểm quan trọng của ngành gỗ |
Năm 2020, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tuyên Quang đạt 5,24%, gấp 1,8 lần so với mức bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tiến bộ; thu ngân sách nhà nước hơn 2.300 tỷ đồng, vượt 107% kế hoạch; xuất khẩu tăng 23,9%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%, đứng thứ 3 cả nước, là một trong 3 tỉnh có diện tích rừng trồng và sản lượng gỗ khai thác hàng năm lớn nhất vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đời sống nhân dân được cải thiện, niềm tin của nhân dân tăng lên; các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội, nhất là an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được chú trọng; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…
Tuy nhiên, tỉnh Tuyên Quang vẫn còn một số bất cập, tồn tại cần khắc phục như: Tuyên Quang vẫn còn là tỉnh nghèo, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm cải thiện nhưng vẫn ở mức trung bình khá…
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Tuyên Quang triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu đề ra; đặt mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá, điển hình về năng lực thoát nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Tỉnh phấn đấu phát triển kinh tế bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch và bảo vệ môi trường; khẩn trương lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc và liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận. Định vị sắc nét hơn nữa lợi thế, tiềm năng đặc trưng của Tỉnh để định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, tổ chức mô hình sản xuất kinh tế phù hợp, nhất là phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với phương án quản lý rừng bền vững cả về chất lượng và số lượng, trở thành ngành mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn Tỉnh. Phấn đấu Tuyên Quang là điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và du lịch sinh thái của cả nước, cứ điểm quan trọng của ngành gỗ và lâm sản với tầm nhìn trở thành trung tâm chế biến gỗ, đồ gỗ nội thất, sản phẩm xuất khẩu, sản xuất giấy của Việt Nam và khu vực.
Tỉnh cần tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo giống, thâm canh rừng và chế biến gỗ; tập trung và huy động các nguồn lực để xây dựng và phát triển chuỗi giá trị tuần hoàn khép kín từ nghiên cứu, phát triển sản phẩm đến xây dựng thương hiệu, thiết kế, sản xuất, phân phối, marketing, bán hàng, dịch vụ chăm sóc khách hàng, hướng tới xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đầu tư cơ sở hạ tầng chuyên biệt, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư một số cơ sở hạ tầng trọng yếu như giao thông, viễn thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phục vụ trực tiếp nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư, lấy tiêu chí hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường làm cơ sở sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án; tăng cường thu hút các Tập đoàn trong nước và nước ngoài có năng lực và uy tín đến đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các Khu công nghiệp.
Đẩy mạnh đô thị hóa và phát triển đồng bộ hai bên bờ sông Lô; chú trọng phát triển hạ tầng các chuỗi đô thị động lực và các huyện miền núi, trong đó lấy thành phố Tuyên Quang làm trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội, lao động, việc làm để kết nối với các đô thị và huyện khác trên địa bàn Tỉnh; phát huy hiệu quả đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Cải cách hành chính đồng bộ
Tỉnh tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính đồng bộ với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tăng số lượng dịch vụ công thiết yếu ở mức độ 3, 4; cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thương mại để tăng cường khả năng tiếp cận của người dân, doanh nghiệp với các chuỗi cung ứng tuần hoàn, tận dụng tối đa lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP).
Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về ý thức trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, vì một Việt Nam xanh; thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển Trường Đại học Tân Trào thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của tỉnh và khu vực; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách hỗ trợ các vùng, xã an toàn khu, chế độ với người có công với cách mạng, đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 kịp thời, công khai, minh bạch.
Tỉnh cần thực hiện tốt công tác dân vận, tôn giáo, dân tộc; ưu tiên, quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững tại các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, vùng an toàn khu trên địa bàn Tỉnh, đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao mức thụ hưởng vật chất và đời sống tinh thần của người dân, phát huy, giữ gìn những bản sắc văn hóa quý báu của các dân tộc anh em; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định trật tự an toàn xã hội.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, xây dựng chính quyền các cấp “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”; tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước…