Gia Lai: Đánh giá sức chịu tải môi trường và đề xuất giải pháp khắc phục ô nhiễm lưu vực sông

Môi trường - Ngày đăng : 19:03, 05/03/2021

(TN&MT) - Sáng 5/3, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Đánh giá sức chịu tải môi trường và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm tại một số thủy vực trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.

Quang cảnh Hội thảo

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 03 hệ thống sông lớn là sông Ba, sông Sê San và thượng nguồn sông Sê Rê Pôk. Với lợi thế về nguồn nước, tỉnh Gia Lai đã có những bước phát triển đáng kể về công nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Từ đó, gây ra những tác động xấu đến môi trường.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Gia Lai, kết quả quan trắc chất lượng nước sông Ba cho thấy một số chỉ tiêu môi trường vượt ngưỡng quy chuẩn quy định, không đảm bảo cho mục đích cấp nước sinh hoạt, bảo tồn động vật thủy sinh hay tưới tiêu thủy lợi. Sông Sê San cũng tình trạng trên với thách thức tiếp nhận tải lượng lớn các chất ô nhiễm ngày càng tăng, đặc biệt là nước thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý.

“Do đó, việc tính toán tải lượng thải và đánh giá sức chịu tải môi trường cho từng giai đoạn sẽ giúp chúng ta nhìn nhận đúng hướng và có những giải pháp thích hợp cho việc ứng xử với môi trường nhằm ổn định về môi trường nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng theo định hướng của tỉnh Gia Lai và quốc gia”, bà Hương nói.

Tại Hội thảo, bà Hương thông tin, tải lượng thải tổng của năm 2025 tăng từ 8,8 - 17,8% so với năm 2019; tải lượng thải năm 2035 sẽ tăng 21,8 - 53,2% so với tải lượng thải năm 2019. Kết quả dự báo đến năm 2025 có xét đến biến đổi khí hậu cho thấy sức chịu tải của sông Ba vẫn tương tự như hiện tại nhưng khả năng tiếp nhận nguồn thải bị suy giảm một phần. Đến năm 2035, sức chịu tải các đoạn sông Ba giảm đi nhiều.

Như vậy, công tác bảo vệ chất lượng nước các hệ thống sông cần phải được tăng cường và có những giải pháp thích hợp. “Cần giám sát chặt chẽ hơn công tác xả thải trên lưu vực sông, đặc biệt là khu công nghiệp, khu chế xuất, có các biện pháp ché tài đối với các đơn vị xả thải vượt ngưỡng cho phép vào lưu vực. Ngoài ra, cần xây dựng chương trình giám sát, quản lý, đánh giá chất lượng nước thường xuyên để kiến nghị các giải pháp vận hành quản lý liên hồ chứa thượng nguồn, để đảm bảo cho dòng sông trong và sạch”, bà Hương nói.

Hội thảo cũng đưa ra các giải pháp để bảo vệ môi trường lưu vực sông như: quản lý tốt hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng rừng và phủ xanh đất trống; quản lý nước thải sinh hoạt; quản lý nước thải công nghiệp; quản lý chất thải từ nuôi trồng thủy sản; tiết kiệm nước; hướng đến nông nghiệp xanh và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, Hội thảo cũng đưa ra các giải pháp về thể chế chính sách trong bảo vệ môi trường như: hoàn thiện văn bản pháp luật, bồi dưỡng đào tạo công chức chuyên trách, đầu tư trang thiết bị để phát hiện và xử lý vi phạm, đẩy mạnh thanh tra, giám sát thực hiện bảo vệ môi trường…; giải pháp về tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Quế Mai