Thúc đẩy phát triển bền vững ngành dệt may
Môi trường - Ngày đăng : 15:15, 05/03/2021
Ông Nguyễn Đức Toàn – Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường trao đổi tại buổi làm việc |
Tiếp và làm việc với đoàn, TS. Nguyễn Đức Toàn, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường cho rằng để dự án FABRIC triển khai thành công tại Việt Nam, sau quá trình thực hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận tại các quốc gia có ngành dệt may phát triển hàng đầu trên thế giới và khu vực châu Á như Bangladesh, Pakistan, cần phải có giải pháp tổng thể, bao gồm cả chính sách, tăng cường năng lực và kỹ thuật, công nghệ.
Với kinh nghiệm lâu năm liên quan đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ môi trường ở nhiều lĩnh vực, trong đó, có ngành dệt may, TS. Nguyễn Đức Toàn khẳng định “Nhà trường có đủ các yếu tố để thực hiện dự án, đảm bảo các giá trị cốt lõi về chất lượng - hiệu quả - chuyên nghiệp - hội nhập”.
Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Bình Minh – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, bồi dưỡng của Trường đã giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, đội ngũ giảng viên/báo cáo viên, học viên của nhà Trường, nội dung và phương pháp của các khóa học, công tác tổ chức thực hiện và các hoạt động khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế…
Quang cảnh buổi làm việc |
Bà Phan Thị Quỳnh Chi, Chuyên gia dự án FABRIC cho biết, trong nhiều năm qua, GIZ đã nỗ lực triển khai dự án ở các quốc gia khác trên thế giới, trong đó, tập trung vào người lao động nhằm hỗ trợ điều kiện sống và làm việc tốt nhất cho họ. Theo khảo sát của GIZ tại Việt Nam vào năm 2019, người lao động trong ngành dệt may ở Việt Nam có điều kiện tương đối tốt hơn các nước khác.
Do đó, bà Phan Thị Quỳnh Chi nhấn mạnh, với mục tiêu chung của dự án là nhằm thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành dệt may tại các quốc gia trên thế giới, dự án đã quyết định lựa chọn môi trường là lĩnh vực ưu tiên khi triển khai tại Việt Nam. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành dệt nhuộm đã và đang đón đầu xu hướng mới của thế giới. Tuy nhiên, yêu cầu đối với mảng dệt nhuộm phức tạp hơn may mặc, đặc biệt, liên quan đến công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực môi trường.
Nhận thức rõ điều đó, GIZ tập trung vào việc quản lý hóa chất độc hại và thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngành dệt may. GIZ sẽ chú trọng làm việc với các cơ quan, tổ chức tại Trung ương và địa phương khi triển khai dự án tại Việt Nam và cần 1 đơn vị để hỗ trợ trong việc đó. Chính vì thế, GIZ nhận thấy tiềm năng hợp tác rất lớn với nhà Trường.
TS. Nguyễn Đức Toàn, Hiệu trưởng khẳng định, Trường sẵn sàng phối hợp với GIZ để dự án được triển khai tốt nhất, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ đề ra.