Đẩy mạnh hợp tác công nghệ thông tin giữa Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Tập đoàn Viettel
Môi trường - Ngày đăng : 23:33, 04/03/2021
Lễ ký thoả thuận hợp tác |
Dự Lễ ký kết, về phía Tập đoàn Viettel có Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn; Đại tá Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tập đoàn.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV), có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái; các đồng chí Phó Tổng cục trưởng: Lê Hồng Phong, Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng, Đặng Thanh Mai; thủ trưởng, tập thể lãnh đạo và lãnh đạo các tổ chức trực thuộc Tổng cục có trụ sở tại Hà Nội.
Theo Thỏa thuận hợp tác được ký kết, mục tiêu hợp tác là nhằm nghiên cứu xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử viễn thông cho ngành KTTV, theo định hướng chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và trên cơ sở yêu cầu công tác quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại buổi Lễ |
Về nội dung hợp tác, hai bên thống nhất phối hợp xây dựng mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại. Đề xuất các giải pháp tiên tiến, công nghệ quan trắc KTTV ứng dụng CN 4.0, để tạo bứt phá trong phát triển ngành KTTV phù hợp với Chính phủ số trong ngành tài nguyên và môi trường. Nghiên cứu phát triển trang thiết bị đo ứng dụng CN 4.0; tư vấn, phối hợp tăng cường mạng lưới quan trắc tại các khu vực vùng núi, hải đảo, biên giới, trên tàu thuyền… Nghiên cứu phát triển thiết bị quan trắc khí tượng trên cao và ra đa thời tiết...
Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm trình bày dự thảo Thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan |
Đồng thời, hai bên sẽ phối hợp cấu trúc lại hệ thống thông tin KTTV phù hợp với định hướng phát triển ngành KTTV. Cụ thể, tư vấn xây dựng Khung ứng dụng phát triển công nghệ thông tin cho Tổng cục KTTV đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa ngành KTTV trong các giai đoạn tiếp theo trên nền tảng công nghệ mới. Tư vấn nâng cấp hệ thống website, hệ thống thông tin, hệ thống tính toán KTTV hiệu năng cao, hệ thống hỗ trợ tương tác người dân ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Phối hợp xây dựng và triển khai hệ thống tài nguyên số về KTTV, dịch vụ thời tiết qua hệ thống truyền hình, web, apps, bao gồm thông tin quan trắc, dự báo phục vụ các ngành, lĩnh vực khai thác, sử dụng; nền tảng quản lý và phân tích dữ liệu lĩnh vực KTTV...
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng tặng quà lưu niệm cho Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái |
Xây dựng mạng viễn thông dùng riêng cho ngành KTTV theo quy định của luật KTTV nhằm mục tiêu xây dựng mạng viễn thông dùng riêng cho ngành KTTV trên nền tảng mạng viễn thông hiện có đảm bảo truyền nhận dữ liệu kịp thời, đầy đủ, thời gian thực trong mọi tình huống nhất là khi có thiên tai, bão lũ xảy ra và tại những khu vực trọng yếu như vùng biện giới, biển, hải đảo, vùng rừng núi, theo quy định của pháp luật. Phối hợp thực hiện dự án về đầu tư nâng cấp mạng viễn thông KTTV cho hoạt động thu nhận, truyền phát thông tin, dữ liệu dự báo, cảnh báo KTTV theo quy định của Luật KTTV, với mục tiêu: Xây dựng được giải pháp thu nhận và truyền tin thiên tai đảm bảo trong mọi điều kiện thời tiết, đặc biệt là cho khu vực miền núi, ven biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng đặc thù.
Về xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin về dự báo, cảnh báo KTTV, hai bên sẽ phối hợp thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm về bão (sử dụng máy bay thám sát bão trên Biển Đông). Ứng dụng flycam điêu tra, khảo sát thực trạng lũ quét, sạt lở đất. Xây dựng các mô hình dự báo, cảnh báo KTTV dựa trên kỹ thuật AI. Tư vấn, hỗ trợ thực hiện các bài toán mô phỏng lũ, ngập lụt. Phối hợp thiết lập hệ thống cảnh báo tác động, rủi ro của thiên tai đối với hệ thống hạ tầng của Viettel.
Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi Lễ |
Phát biểu tại Lễ ký kết, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho rằng, việc tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác hôm nay về ứng dụng công nghệ thông tin giữa Tổng cục KTTV và Tập đoàn Viettel là hoạt động hết sức quan trọng của ngành KTTV trong năm 2021.
Theo Tổng cục trưởng, hiện ngành KTTV mong muốn xây dựng một mạng lưới quan trắc KTTV bứt phá và hiện đại; hệ thống thông tin phải ổn định trong thời tiết xấu và cực xấu; ứng dụng sâu trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV… Việc ký thỏa thuận hợp tác ngày hôm nay sẽ là tiền đề để hiện thực hóa những nhu cầu trên của ngành KTTV.
“Với kinh nghiệm nhiều năm đồng hành, phối hợp và hợp tác với các đơn vị quốc phòng của Tổng cục KTTV, với tiềm năng và vị thế vượt qua khỏi lãnh thổ Việt Nam của Tập đoàn Viettel, tôi hi vọng rằng, ngày hôm nay sẽ là một dấu mốc mới trong quá trình phát triển của hai đơn vị”, ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng phát biểu tại buổi Lễ |
Theo Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, tiềm năng hợp tác giữa Tổng cục KTTV và Viettel là rất lớn. Điển hình như các công nghệ về ra đa, máy bay không người lái, vệ tinh - những thế mạnh của Viettel, đều có thể phục vụ lĩnh vực KTTV.
“Chúng tôi nhận thức rõ KTTV ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Trước biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết, cuộc sống chúng ta dù có hiện đại cũng trở nên mong manh. Chỉ có cách duy nhất là chúng ta phải đi trước, phải phán đoán được trước để chinh phục nó. Muốn vậy chúng ta phải thật hiện đại”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nhấn mạnh, đồng thời mong muốn sự hợp tác giữa hai bên ngày càng mạnh mẽ, đạt được nhiều thành công trong tương lai.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cảm ơn sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn Viettel tại buổi Lễ ký kết, biểu dương tinh thần chủ động hợp tác của Tổng cục KTTV, chúc sự hợp tác hai bên sẽ ngày phát triển. Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, Viettel hiện có 44 nghìn trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS). Chỉ cần 1/10 số này có gắn các cảm biến về tài nguyên môi trường thì ngành KTTV đã có một mạng lưới giám sát tài nguyên môi trường tương đối hoàn chỉnh, hiện đại.