Lào Cai: Nạn tảo hôn có chiều hướng gia tăng

Dân tộc thiểu số - Ngày đăng : 13:43, 04/03/2021

(TN&MT) - Trong năm 2020, kết quả kiểm tra của Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai về tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Nhất là ở các huyện Si Ma Cai, Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát.

Tình trạng tảo hôn diễn biến phức tạp

Tỉnh Lào Cai năm 2020 có 4.998 người DTTS kết hôn, trong đó có 311 người tảo hôn, chiếm 6,22%. Độ tuổi tảo hôn đối với nam từ 14 - 16 tuổi: 24 người; từ 17 - >19 tuổi: 102 người; đối với nữ từ 14 - >15 tuổi: 92 người; từ 16 - >17 tuổi: 82 người, chia theo dân tộc: Dân tộc Mông 244 người, dân tộc Dao 14 người và còn các dân tộc khác. Hôn nhân cận huyết thống có 1 cặp ở xã Nậm Mả, huyện Văn Bàn.

Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp cùng các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, vận động, ngăn chặn được 132 người có ý định về chung sống với nhau như vợ chồng. Nguyên nhân tình hình tảo hôn tăng so với năm 2019 (21 người) là do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, bố, mẹ đi làm ăn xa ở Trung Quốc không về được, không có ai chăm sóc nên dẫn đến tình trạng các em có ý định tự về chung sống với nhau như vợ chồng. Kinh phí triển khai thực hiện Đề án nhiều huyện chưa được bố trí nên việc duy trì, nhân rộng các mô hình tuyên truyền còn hạn chế.

Trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật và những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của đồng bào DTTS ở nhiều nơi còn chưa cao. Một số địa phương do quan niệm, hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nhận thức, trực tiếp ảnh hưởng và chi phối đời sống của đồng bào DTTS. Họ cho rằng, con kết hôn sớm gia đình sẽ có thêm người lao động, kết hôn trong cùng họ tộc thì mới giữ được tài sản của gia đình, dòng họ.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết có xu hướng tăng do Covid-19 kéo dài

Lập kế hoạch, phương hướng cụ thể đẩy lùi tảo hôn

Để tiếp tục giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vùng DTTS, Ban Dân tộc tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn tiếp theo. Biên soạn, cung cấp tài liệu, Đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động về hôn nhân và gia đình trong vùng DTTS.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, lễ hội phù hợp với văn hóa, giới tính, lứa tuổi và dân tộc để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng chống tảo hôn.

Tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp, nghiên cứu, ứng dụng, triển khai nhân rộng các mô hình, bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước phù hợp nhằm thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, huy động sự tham gia của cộng đồng để thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS.

Nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc tham gia thực hiện Đề án. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng DTTS tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Phấn đấu đến năm 2025, Lào Cai cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS địa phương.

Năm 2020, Ban Dân tộc tiếp tục duy trì 3 Mô hình điểm thực hiện Đề án“Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” tại xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai, xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa; tổ chức tư vấn Luật Hôn nhân và Gia đình cho trên 180 người tại các xã thực hiện Mô hình thí điểm, kinh phí thực hiện 18,0 triệu đồng; các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục xây dựng 48 mô hình điểm ở xã, 43 mô hình ở thôn.

Ngọc Châu