“Quả ngọt” từ nỗ lực vượt hạn, mặn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:48, 04/03/2021

(TN&MT) - Vụ lúa Đông Xuân 2020 - 2021 và nhiều diện tích cây ăn quả ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cơ bản vượt qua được hạn hán, xâm nhập mặn. Đây là kết quả của việc ngành chức năng và các địa phương đã rất chủ động điều chỉnh mùa vụ sản xuất và chuẩn bị các phương án phòng chống hạn, mặn từ sớm, cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo và nhanh chóng thay đổi giống, thay đổi thói quen canh tác…

Để hiểu rõ hơn về những nỗ lực này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

PV: Cục Trồng trọt nhận định rằng ĐBSCL năm nay đã cơ bản vượt qua được hạn hán, xâm nhập mặn và có một vụ lúa Đông Xuân thắng lợi. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Ông Lê Thanh Tùng:

Chúng tôi khẳng định chắc chắn khu vực ĐBSCL năm nay tiếp tục có một vụ lúa Đông xuân thắng lợi, mùa khô không ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất lúa và vườn cây ăn quả. Điều này có được là dựa trên việc bố trí sản xuất trồng trọt và vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi, căn cứ vào dự tính hạn hán và xâm nhập mặn của năm.

Các cơ quan chuyên môn của Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT) và Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đều đánh giá rằng, hạn hán năm 2020 - 2021 sẽ cao hơn năm 2015 - 2016 và thấp hơn một chút so với năm 2019 - 2020. Căn cứ vào đây, Cục Trồng trọt và Tổng cục Thủy lợi đã cùng tham mưu cho lãnh đạo Bộ NN&PTNT để tham mưu cho Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ đã sớm ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở ĐBSCL.

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương và các cơ quan chuyên môn của Bộ xây dựng các kịch bản ứng phó. Dù có nhiều nguồn thông tin khác đánh giá về tình hình hạn mặn năm nay không nặng nề bằng năm trước, nhưng với tinh thần không chủ quan, việc ứng phó hạn, mặn vẫn dựa trên kịch bản năm   2019 - 2020.

Dự báo được đưa ra từ tháng 7/2020, nhờ vậy, việc bố trí sản xuất vụ Đông Xuân bắt đầu triển khai trước khi hạn, mặn diễn ra tới 4 tháng. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo những vùng có nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn phải xuống giống sớm trong tháng 10. Đến tháng 1, khi nước mặn xâm nhập thì chúng ta có thể đóng các cửa cống, ngăn nước mặn xâm nhập, cây lúa lúc đó đã được thu hoạch, không chịu ảnh hưởng của nước mặn và khô hạn do thiếu nước.

Với các vườn cây ăn quả, các địa phương đã có kinh nghiệm nên chuẩn bị tốt hơn. Bà con nông dân chủ động đào ao, trữ nước trong từng hộ, không cần phải chờ nước ngọt từ các vùng khác chuyển về như những năm trước. Bên cạnh đó, hầu như các tỉnh ven biển đều đạt 100% số hộ có đủ nước sinh hoạt trong mùa khô.

Có thể nói, các giải pháp Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ cùng các giải pháp của địa phương đã được triển khai đồng bộ, mạch lạc, hiệu quả hơn những năm trước đây. Vùng ảnh hưởng nặng đã thu hẹp lại. Diện tích lúa trong vùng chịu ảnh hưởng mặn từ 900 nghìn ha giảm xuống còn khoảng 600 nghìn ha; vùng lúa chịu mặn trực tiếp giảm từ 150 nghìn ha giảm xuống còn 100 nghìn ha, vùng cây ăn quả từ 80 nghìn ha giảm còn 50 nghìn ha.

Một tín hiệu vui là giá lúa vụ Đông Xuân năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 1.000 đồng/kg cho tất cả các giống lúa khác nhau. Năng suất ước đạt gần 7 tấn/ha, cao hơn 1 tạ/ha so với Đông Xuân 2019 - 2020, dẫn đến thu nhập của người nông dân sẽ cao hơn năm trước. Giá gạo xuất khẩu năm nay cũng cao nhất trong 10 năm trở lại đây nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng có nhiều lợi ích.

 

PV: Xin ông cho biết, bài học kinh nghiệm phòng chống hạn, mặn các năm trước đã được áp dụng trong năm nay như thế nào?

Ông Lê Thanh Tùng:

Ngược về đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015 - 2016, khi đó, công tác tuyên truyền, thông tin các kết quả dự báo biến đổi bất thường về khí hậu, thủy văn chưa thường xuyên và phổ biến rộng rãi; Phản ứng của cơ quan chuyên môn, địa phương và người nông dân chậm và chưa kịp thời, do đó, thiên tai gây thiệt hại lớn cho sản xuất và tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Đợt hạn mặn năm 2019 - 2020 và năm nay, Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành đã có chỉ đạo sớm, sát sao, công tác truyền thông dự báo đã được thực hiện tốt hơn, các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp và các địa phương cũng chủ động xây dựng các phương án phòng chống cụ thể.

Cách tiếp cận chỉ đạo sản xuất dựa trên các kịch bản có sẵn và dự báo của các cơ quan chuyên môn đã được phối hợp chặt chẽ và quyết liệt hơn, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại đối với sản xuất. Với công tác chuẩn bị kĩ càng như vậy, tôi tin tưởng từ nay đến khi hạn, mặn suy giảm sẽ không gây ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến sản xuất.

Bên cạnh đó, từ sau năm 2015 - 2016, để chủ động đối phó với các rủi ro liên quan tới khí hậu, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương, đồng thời hài hòa trong định hướng phát triển liên kết vùng, Cục Trồng trọt và Chương trình Nghiên cứu BĐKH, Nông nghiệp và An ninh Lương thực khu vực Đông Nam Á (CCAFS) đã phối hợp xây dựng phương pháp lập bản đồ nguy cơ rủi ro thiên tai và kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa có sự tham gia cho vùng ĐBSCL.

Trên cơ sở này sẽ cung cấp bản đồ cho từng tỉnh và toàn vùng ở các vụ sản xuất lúa Đông Xuân, Hè Thu, Thu Đông; kết hợp hệ thống công trình thủy lợi với các kịch bản năm bình thường và kịch bản năm cực đoan của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và ngập lũ, đồng thời có bản đồ đề xuất lịch thời vụ xuống giống trong từng tháng phù hợp với các kịch bản nêu trên ở các vụ sản xuất lúa.

PV: Thành công của những vụ mùa bội thu do “né” được hạn mặn, thay đổi giống cây trồng vật nuôi phù hợp phải chăng là thành quả từ khi chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH? Để duy trì được những thành quả này, đồng thời tránh được “vết xe đổ” được mùa mất giá đối với sản phẩm nông nghiệp, chúng ta cần phải thực hiện những gì?

Ông Lê Thanh Tùng:

Nghị quyết 120 đã mở ra định hướng thích ứng BĐKH phù hợp với điều kiện đời sống, sinh hoạt của người dân trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng ở vùng ĐBSCL. Việc chuyển dịch trong bố trí mùa vụ, bố trí cơ cấu cây trồng trên cơ sở thích ứng với khí hậu bất thường, như diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lũ thời gian qua, đã được thể hiện đầy đủ và thành công ở hầu hết các địa phương trong vùng.

Ví dụ như, một số khu vực không đủ nước vì hạn, mặn đã tiến hành các giải pháp công trình nhằm đáp ứng nước cho sản xuất, nếu vẫn không đủ nước sẽ bố trí thời vụ sớm hơn. Nếu tiếp tục không hiệu quả sẽ chuyển đổi các loại cây trồng khác có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, sử dụng nước ít hơn để thích ứng. Đây là chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Về chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đối với những vùng canh tác 3 vụ lúa mà thời gian nước ngọt không đủ cung cấp, sẽ chuyển sang trồng chắc 2 vụ lúa và nâng cao giá trị giống lúa lên, ổn định thu nhập và đảm bảo đời sống cho nông dân.

Trường hợp những vùng sản xuất lúa không phù hợp và hiệu quả kinh tế kém có thể chuyển sang hệ thống cây trồng khác, thủy sản, rau màu có giá trị cao hơn. Những năm qua, riêng ĐBSCL đã chuyển đổi khoảng 200 nghìn ha đất canh tác, cho thấy sự thích ứng mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân, ổn định sản xuất nông nghiệp nói chung.

Như đã nói ở trên, giá lúa gạo đang ở mức cao nhưng trong thời gian tới sẽ vẫn chịu tác động của yếu tố thị trường. Sự thích ứng của vùng ĐBSCL tốt hơn giúp tăng sức cạnh tranh với các quốc gia khác cùng xuất khẩu gạo, trong bối cảnh hệ thống vận chuyển và diễn biến dịch bệnh phức tạp. Nghĩ xa hơn, muốn giữ lợi nhuận bền vững, chúng tôi khuyến nghị bà con nông dân, với vai trò là người sản xuất cần giữ thế chủ động.

Cụ thể là giảm giá thành sản xuất bằng nhiều cách giúp tăng mức độ lợi nhuận, chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng chất lượng tốt hơn. Đặc biệt, cần tăng giá trị bằng cách đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không chỉ lúa mà tất cả những sản phẩm mang tính chất hàng hóa, không chỉ dành cho xuất khẩu mà cả tiêu thụ trong nước, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Đây là tiêu chí quan trọng để Việt Nam xây dựng thương hiệu nông sản trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nếu như vụ Đông Xuân 2015 - 2016, chỉ tính riêng ảnh hưởng sản xuất lúa lên đến 600 - 700 nghìn ha, thiệt hại khoảng 100 ngàn ha, thì đến năm 2019 - 2020, cùng với hệ thống công trình thủy lợi được cải thiện, công tác chỉ đạo sản xuất tốt hơn, mức độ thiệt hại đã giảm xuống rất nhiều. Diện tích lúa và cây ăn quả bị suy giảm năng suất, thiệt hại khoảng 25 nghìn ha. Còn năm nay, chưa ghi nhận thiệt hại gì đến thời điểm này.

Khánh Ly (Thực hiện)