Cảnh báo sớm hạn hán, xâm nhập mặn
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:45, 04/03/2021
Chủ động dự báo, cảnh báo đảm bảo thông tin nhanh, kịp thời
Qua phân tích các yếu tố nguồn nước trên lưu vực sông Mê Công, Biển Hồ kết hợp với nguồn nước tại khu vực ĐBSCL có những diễn biến bất lợi, từ đầu tháng 9/2020, Tổng cục KTTV đã sớm đưa ra nhận định: Mùa khô 2020 - 2021 sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, xâm nhập mặn sẽ sớm diễn ra nhưng không gay gắt bằng năm 2019.
Diễn biến thực tế suốt những tháng đầu mùa khô vừa qua cho thấy nhận định này khá chính xác. Đến hết tháng 2, nước mặn đã xâm nhập sâu vào các cửa sông trên hệ thống sông Cửu Long, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, do thượng nguồn sông Mê Công và Nam Bộ không mưa cùng với nền nhiệt cao nên từ nay đến ngày 10/3 tới, xâm nhập mặn tiếp tục tăng. Nhiều khả năng ranh mặn còn có thể đến 4g/l (không thể dùng cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt) trên sông Vàm Cỏ sẽ vào sâu khoảng 65 - 78 km; trên sông Cửu Tiểu, Cửa Đại khoảng 48 - 68 km; trên sông Hậu khoảng 45 - 57 km và trên sông Cái Lớn khoảng 40 - 47 km. Các đợt mặn sẽ giảm dần từ tháng 4.
Theo ông Hoàng Đức Cường , Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, ngay từ khi nắm bắt tình hình nguồn nước đầu mùa khô, Tổng cục đã chỉ đạo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan như Viện Khoa học Tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Cục Quản lý tài nguyên nước, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức hội thảo, trao đổi, phân tích, đánh giá khả năng hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL và ban hành kịp thời, đầy đủ các bản tin cảnh báo sớm hạn hán, xâm nhập mặn.
Tiếp sau đó, các bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn được triển khai theo 3 cấp Trung ương, Đài KTTV khu vực và Đài KTTV tỉnh. Các bản tin được chi tiết hóa đến từng vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao và được thể hiện trực quan bằng hình ảnh, bảng, biểu, cùng với đó là thông tin về các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng, thời gian bị ảnh hưởng và thời gian có thể lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Để có thông tin liên tục, cập nhật, các đơn vị thuộc Tổng cục đã tăng cường đo mặn, tổ chức thu thập thông tin về tình hình thiệt hại, đánh giá và dự báo tác động của xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh tại các tỉnh, thành phố trong khu vực. Thông tin cập nhật tình hình nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp... được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một số địa phương sử dụng tin nhắn SMS, zalo cho cá nhân liên quan và đưa tin trên mạng xã hội…
Cùng với các bản tin dự báo, cảnh báo sớm của ngành KTTV về khả năng hạn hán, xâm nhập mặn, kinh nghiệm ứng phó thành công từ đợt hặn hán, xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 đến nay vẫn đang phát huy tác dụng như: chủ động trong phòng chống, điều chỉnh thời vụ và xử lý tốt vấn đề nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân.
Dự báo, cảnh báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: MH |
Không ngừng nâng cao chất lượng dự báo
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, trong thời gian tiếp theo của mùa khô, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường; do các hồ chứa ở thượng nguồn chưa tăng lượng xả, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 4/2021. Các địa phương cần liên tục cập nhật kịp thời các thông tin dự báo KTTV và có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, Tổng cục đã tập trung những điều kiện cần thiết để khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, việc tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo hạn tháng, mùa; xây dựng hệ thống giám sát, dự báo cảnh báo sớm diễn biến nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn và sụt lún, sạt lở bờ sông bờ biển vùng ĐBSCL, bao gồm cả phần thượng nguồn, toàn lưu vực đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các Bộ, ban, ngành. Tổng cục KTTV cũng kiến nghị, cần đầu tư bổ sung tăng dày mật độ trạm, nâng cấp các trạm đo mặn trên các sông thuộc khu vực ĐBSCL. Đồng thời, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thông qua Ủy hội sông Mê Công quốc tế tăng tần suất chuyển số liệu của các quốc gia vùng thượng nguồn sông Mê Công trong mùa khô lên 3 ngày/lần; chia sẻ các sản phẩm mô hình thủy văn, thủy lực của Dự án Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công cho Tổng cục KTTV phục vụ công tác dự báo.
Hiện tại, trên các tuyến sông thuộc khu vực ĐBSCL mới có khoảng 40 trạm đo mặn thuộc Hệ thống quan trắc KTTV quốc gia, số liệu này khá thưa so với hệ thống sông ngòi chằng chịt ở khu vực này. Bên cạnh đó, do công tác thu thập thông tin về thiệt hại, phương pháp đánh giá rủi ro còn nhiều hạn chế nên các bản tin vẫn chưa dự báo chi tiết được tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đến nông nghiệp và dân sinh. Các thông tin về hồ chứa và sử dụng nước trên thượng nguồn lưu vực chưa có nhiều.
Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam Bộ