Ứng dụng KHCN vào quản lý và điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 09:44, 04/03/2021
Với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, hội nhập với quốc tế và khu vực về địa chất và khoáng sản, phục vụ khai thác tài nguyên địa chất và khoáng sản hợp lý theo hướng bền vững; ứng dụng phương pháp, công nghệ, thiết bị mới, hiện đại trong điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản; xác lập cơ sở khoa học nhằm nâng cao hiệu quả điều tra cơ bản địa chất đối với một số khoáng sản quan trọng, ẩn sâu và khoáng sản biển, Vụ KH&CN đã tích cực phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT triển khai các nhiệm vụ đã được giao.
Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ khai thác tài nguyên địa chất và khoáng sản. Ảnh: MH |
Hiện đã có 36 đề tài thuộc Chương trình được triển khai thực hiện tại 6 đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (21 đề tài), Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (8 đề tài), Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (1 đề tài), Trường Đại học TN&MT Hà Nội (5 đề tài), Trường Đại học TN&MT TP.HCM (1 đề tài), Nhà xuất bản Tài nguyên, Môi trường và Bản đồ Việt Nam (1 đề tài).
Kết quả các đề tài đã được sử dụng và phát huy kết quả trong thực tiễn. Có thể kể đến như Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài khoa học vào việc Ứng dụng hệ phương pháp điều tra, thăm dò và các diện tích có triển vọng về quặng đất hiếm ở khu vực Tây Bắc Việt Nam; Phục vụ cho công tác quy hoạch khoáng sản đất hiếm ở khu vực Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời đã có các sản phẩm cụ thể như: Xây dựng bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 cho toàn lãnh thổ Việt Nam và các nhiệm vụ thành lập bản đồ môi trường phóng xạ theo tỷ lệ khác nhau.
Kết quả của các đề tài nghiên cứu cũng giúp cho việc định hướng rõ nét công tác tìm kiếm, thăm dò khoáng sản; làm tư liệu giảng dạy, đào tạo trong các cơ sở đào tạo của Bộ TN&MT nói riêng và trong đào tạo ngành địa chất nói chung. Đồng thời, cùng các nhà khoa học quốc tế trao đổi nội dung nghiên cứu và các dạng công việc khác cần đến bản đồ địa chất; Ứng dụng đồng vị bền trong nghiên cứu địa chất và khoáng sản ở Việt Nam (Nghiên cứu quá trình thành tạo khoáng vật, nhiệt độ thành tạo khoáng vật, quá trình thành tạo trầm tích cơ học và hóa học, nghiên cứu quá trình địa chất, tiến hóa của sinh giới…); Định hướng cho công tác nghiên cứu, đánh giá khoáng sản volfram ở các điểm quặng, điểm mỏ; Tổ hợp các phương pháp nghiên cứu địa chất - khoáng sản và viễn thám hợp lý để xác định cấu trúc địa chất phục vụ công tác dự báo triển vọng khoáng sản.
Có thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình đạt được nhiều thành tựu trong một số đề tài, hiện đã được chuyển giao và đang được ứng dụng trong công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đánh giá và thăm dò khoáng sản, nhất là đối với khoáng sản ẩn, sâu. Đối với công tác công bố kết quả nghiên cứu, đào tạo nhân lực và về ứng dụng vào thực tiễn đều đạt so với yêu cầu đặt ra trong “Chỉ tiêu về đánh giá Chương trình” được quy định tại quyết định số 2246/QĐ-BTNMT.
Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu đề tài để phục vụ trực tiếp công tác xây dựng các văn bản pháp luật (Luật, Nghị định, Thông tư, Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam) còn chưa nhiều, mới chỉ ở diện cung cấp cơ sở dữ liệu, cơ sở khoa học để góp phần phục vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và ban hành ở dạng quy trình kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn cơ sở (3 quy trình). Do đó, trong giai đoạn tới cần tập trung, ưu tiên mở mới các đề tài về mục tiêu này.