TP. Huế: Diện mạo đô thị đổi thay, khang trang, xanh, sạch
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 10:36, 02/03/2021
Đổi thay với nhiều dự án
TP. Huế hiện đang quản lý hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị gồm 446 tuyến đường đô thị/226km; 420 km đường kiệt; 218km cống thoát nước; 265.000m2 vỉa hè; 420km điện chiếu sáng; 880 cột biển tên đường; 25 công viên; 57 điểm xanh và hơn 64.000 cây xanh đường phố…
Năm 2020 vừa qua là năm ghi nhận sự thay đổi tích cực, khang trang và toàn diện đô thị Huế, TP. Huế đã nỗ lực hoàn thành điều chỉnh quy hoạch cục bộ trên địa bàn, như: Điều chỉnh (cục bộ) các vị trí thuộc đồ án quy hoạch khu trung tâm phía nam thành phố; điều chỉnh (cục bộ) khu vực nhà thi đấu tỉnh thuộc quy hoạch chi tiết trục đường Bà Triệu; điều chỉnh (cục bộ) quy hoạch khu làng nghề Thủy Xuân và khu vực bãi bồi Lương Quán, khu vực Hổ quyền - Voi Ré - phường Thủy Biều; điều chỉnh (cục bộ) quy khu đất tổng kho Tây Lộc, bến xe Nguyễn Hoàng...
Huế xanh nhìn từ trên cao |
Song song với đó, TP. Huế cũng tổ chức lập thiết kế đô thị 4 trục đường quanh Hoàng thành Huế; lập phương án tổng mặt bằng công viên và khu vực phụ cận xung quanh Hoàng thành. Hoàn thành Quy hoạch cây xanh đường phố Huế giai đoạn năm 2025-2030... phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo Chủ tịch UBND TP. Huế - Hoàng Hải Minh, năm 2020 vừa qua, TP Huế đã chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án trọng điểm nâng cấp và phát triển đô thị Huế như: Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ đến nay đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng khu vực 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7; Khu vực 8 đã phê duyệt, chi trả và bàn giao phần diện tích đất nông nghiệp và mồ mả cho chủ đầu tư; phần diện tích đất ở sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong quý I năm 2021; Đối với khu vực 9 và 10: UBND TP. Huế đang hoàn chỉnh hồ sơ để ban hành thông báo thu hồi đất theo đúng quy định.. Các công việc, hạng mục tiếp theo trong dự án “lịch sử” này đang được đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các hộ dân tiếp theo trong dự án "di dân lịch sử" sớm ổn định cuộc sống về lâu dài…
Các tuyến đường chính trên địa bàn TP. Huế như Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Lê Quý Đôn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Lý Thường Kiệt,... cũng được chỉnh trang toàn diện từ nguồn vốn kết dư của dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, tạo “diện mạo” cho đô thị trung tâm.
Đô thị Huế ngày càng sang trọng, hấp dẫn, sáng - xanh - sạch - đẹp |
Đáng chú ý, Dự án chỉnh trang hai bên bờ sông Hương với “điểm nhấn” chính là hoàn thiện mạng lưới kết nối đường đi bộ ở hai bờ Nam - Bắc sông Hương đã hình thành không gian công cộng với sự khen ngợi, hưởng ứng tích cực từ dư luận, nhân dân.
Hai bờ sông Hương Huế với các tuyến đường thơ mộng dọc bên sông nay là điểm đi dạo, vui chơi, rèn luyện sức khỏe cho nhân dân và du khách hưởng thụ. Hoàn thành Chỉnh trang công viên Phú Xuân đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Dã Viên (giai đoạn 1 và giai đoạn 2). Hiện nay, Quảng trường ở công viên Lý Tự Trọng, đoạn trước UBND tỉnh – đường Lê Lợi đã hoàn thành trước Tết dương lịch 2021 với đài phun nước mang vẻ tính hiện đại, sang trọng cho đô thị Huế.
Hàng loạt dự án trong năm 2021
Theo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 tại Hội nghị lần thứ ba, Ban chấp hành Đảng bộ TP. Huế khóa XII (mở rộng), năm 2021, Huế đề ra và thực hiện 5 chương trình và 7 dự án trọng điểm, thay đổi khang trang diện mạo đô thị.
Phối hợp triển khai hoàn thành Đề án địa giới hành chính để mở rộng TP. Huế và thành lập các phường theo quy hoạch trước năm 2022. Tập trung hoàn thiện các quy hoạch phát triển, nâng cấp đô thị Huế, phát triển trục cảnh quan sông Hương làm trục chính phát triển đô thị hướng biển. Quy hoạch lại không gian đô thị trung tâm trên cơ sở bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển; giữa gìn giữ và phát huy các giá trị di sản và phát triển các khu vực TP. Huế mở rộng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm chỉnh trang đô thị..
Năm 2021, TP. Huế quyết liệt triển khai nhiều dự án trọng điểm, góp phần thay đổi khang trang diện mạo đô thị |
Tổ chức khai thác và duy trì trật tự ở các điểm du lịch bảo đảm trật tự, an toàn, văn minh đô thị trong khu vực. Quản lý và khai thác có hiệu quả các bến bãi, điểm đỗ xe, bến thuyền; quản lý dịch vụ vận chuyển khách du lịch, dịch vụ bến thuyền và Ca Huế trên sông Hương; triển khai khai thác có hiệu quả các dịch vụ du lịch; tuyến phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu (phường Phú Hội); mạng lưới kết nối đường di bộ phía nam sông Hương (do KOICA tài trợ); chỉnh trang khu Hổ Quyền - Voi Ré; đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và khu vực hai bên bờ sông Hương.
Song song với đó, TP Huế tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống đường giao thông thành phố, hạ tầng kỹ thuật, các dự án thoát nước, điện chiếu sáng, công viên cây xanh đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường đô thị. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Hương Sơ các khu vực tiếp theo. Phối hợp với Sở KHĐT tỉnh triển khai dự án xây dựng hạ tầng đô thị loại II (Green City) do ADB tài trợ; dự án xây dựng TP. Huế văn hóa và du lịch thông minh do KOICA tài trợ giai đoạn 2021-2023 với kinh phí 13 triệu USD...
Thừa Thiên Huế sẽ trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương với “lõi” trung tâm là TP. Huế |
Chủ tịch UBND TP. Huế - Hoàng Hải Minh khẳng định, mục tiêu của Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình điều chỉnh địa giới TP. Huế gắn với chỉnh trang, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ là xây dựng TP. Huế trở thành “hạt nhân” của đô thị di sản, văn hóa, sinh thái cảnh quan thân thiện với môi trường, đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế, gắn với chỉnh trang, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, xứng đáng là đô thị loại I (kể cả sau khi điều chỉnh địa giới hành chính). Nâng cao chất lượng Quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Tăng cường công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường gắn với việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư, khai thác các dịch vụ văn hóa thể thao, giao thông tĩnh, khai thác các công viên, điểm xanh….
“Đặc biệt là huy động sức dân, cùng nhau đoàn kết, phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao ý thức trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị bằng những hành động cụ thể, tham gia bảo vệ và giữ gìn vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà ở, đường phố, khu dân cư, xây dựng các tuyến phố văn minh... để tạo “lực đẩy” đưa Huế ngày càng phát triển, khang trang, thông minh, “xanh – sạch - sáng”, thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện Nghị quyết 54/2019 của Bộ Chính trị, trong đó xác định đưa Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương với “lõi” trung tâm là TP. Huế, gắn với lợi ích thiết thực của nhân dân trên địa bàn”, ông Minh chia sẻ.