TP.HCM: Nhiều giải pháp quản lý đất đai hiệu quả
Đất đai - Ngày đăng : 10:35, 02/03/2021
Tập trung 5 nhóm vấn đề chính
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, Nhà nước quản lý đất đai bằng 4 công cụ, bao gồm: pháp luật đất đai, quy hoạch sử dụng đất, tài chính đất đai và hành chính đất đai. Tuy nhiên, trong quản lý đất đai hiện nay, do các công cụ quản lý chưa hoàn chỉnh, còn bất cập, dẫn đến Nhà nước và người dân không thể chủ động kiểm soát quá trình hình thành giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư mang lại, cũng chưa giải quyết tốt việc phân phối lợi ích từ giá trị đất đai tăng thêm này.
“TP.HCM luôn nhận thức nguồn tài nguyên đất đai là có giới hạn. Việc xây dựng một hệ thống quản lý đất đai hiện đại, có hiệu quả cao, mang lại lợi ích kinh tế lớn từ giá trị gia tăng trên đất cần phải hoàn chỉnh pháp luật đất đai. Trong giai đoạn hiện nay, Luật Đất đai 2013 chưa được sửa đổi, TP.HCM chỉ có thể thực hiện một số đổi mới, cải tiến trong phạm vi của pháp luật hiện hành về đất đai” - ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết.
Trên cơ sở đó, mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM”. Đề án đã xác định 5 nhóm vấn đề chính trong công tác quản lý đất đai hiện nay trên địa bàn thành phố.
Theo đó, TP.HCM sẽ hoàn thiện quy trình định giá đất cụ thể dựa trên nguyên tắc bảo đảm tính khách quan, độc lập và phù hợp giá trị thị trường. TP.HCM sẽ chủ động xây dựng Quy hoạch sử dụng đất trong Quy hoạch tích hợp tổng thể phát triển thành phố và nghiên cứu Quy hoạch sử dụng đất các huyện, hướng tới sự thống nhất về Quy hoạch phát triển thành phố và tận dụng được giá trị tăng thêm của đất do quy hoạch mang lại.
TP.HCM sẽ thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng |
TP.HCM sẽ nghiên cứu triển khai việc thu hồi đất theo quy hoạch với vai trò chủ đạo của Tổ chức phát triển quỹ đất, hoạt động như một doanh nghiệp Nhà nước nhằm đưa cơ chế Nhà nước thu hồi đất gần với cơ chế thị trường, trong đó, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thể hiện được nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan. Việc giao đất, cho thuê đất được thực hiện chủ yếu bằng phương thức đấu giá đất đối với đất đã thu hồi theo quy hoạch.
Để thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch, giao đất và cho thuê đất thông qua đấu giá đất, cần phải phát triển hệ thống thông tin đất đai trên nguyên tắc đáp ứng được yêu cầu của quản lý đất đai điện tử như một thành phần của Chính phủ điện tử và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu.
Theo Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính Phủ, TP.HCM sẽ giảm diện tích khu sản xuất nông nghiệp từ 67.866 ha xuống còn 48.905 ha; khu phát triển công nghiệp tăng từ 4.148 ha lên 6.246 ha; khu đô thị từ 33.035 ha lên 41.912 ha; khu thương mại - dịch vụ từ 8.669 ha lên 14.625 ha; khu dân cư nông thôn từ 19.015 ha lên 40.611 ha...
Phải nhận được sự đồng thuận của người dân
Để thực thi các nhóm vấn đề chính mà Đề án đặt ra, UBND TP.HCM đã đề ra hàng loạt giải pháp cụ thể trong công tác quản lý đất đai về công tác lập Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất; tài chính giá đất; thu hồi đất, xây dựng hệ thống thông tin đất đai; quản lý đất công…
Về xây dựng Kế hoạch sử dụng đất, Sở TN&MT được giao nhiệm vụ tổ chức xây dựng Kế hoạch sử dụng đất 5 năm của thành phố, tập trung vào vùng nông thôn trên nguyên tắc phân vùng không gian, sao cho đồng bộ với quá trình xây dựng bản Quy hoạch tích hợp tổng thể phát triển thành phố do Sở Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị.
Về tài chính giá đất, TP.HCM sẽ tin học hóa việc tính giá đất theo Bảng giá đất nhằm bảo đảm khách quan, bắt đầu cho thử nghiệm giải pháp lựa chọn các thửa đất chuẩn, định giá hàng năm để thiết lập bản đồ giá trị đất đai phục vụ sửa đổi Luật Đất đai trong vài năm tới.
Đặc biệt, về công tác thu hồi đất, TP.HCM sẽ có chính sách hợp lý để thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng. Theo đó, người có đất bị thu hồi trong dự án hạ tầng và phần đất thu hồi thêm sẽ được tái định cư tại chỗ và diện tích đất dôi dư sau khi tái định cư sẽ được quy hoạch lại, bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án đó. Phương án thu hồi thêm đất và tái định cư sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Nếu đa số người dân đồng ý (khoảng 2/3) thì phương án sẽ được phê duyệt. Đối với thiểu số người dân không đồng ý phải lựa chọn: hoặc chấp thuận phương án hoặc bị Nhà nước thu hồi đất.
Về quản lý đất công sản, TP.HCM sẽ thành lập một đoàn liên ngành do một lãnh đạo thành phố đứng đầu, một lãnh đạo Sở Tài chính, Sở TN&MT làm thường trực để thực hiện tổng rà soát mặt bằng sử dụng đất công theo định kỳ 5 năm để đề xuất giải pháp xử lý những trường hợp trái pháp luật, không hợp lý (bao gồm cả đất quốc phòng, an ninh sử dụng trái pháp luật) và đề xuất phương án sắp xếp lại.
Về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, TP.HCM sẽ lựa chọn phần mềm quản lý thông tin đất đai đủ năng lực, có thể chủ động nâng cấp và không bị phụ thuộc vào bên cung cấp phần mềm. Lựa chọn cách thức phù hợp để chuyển từ trạng thái quản lý thủ công sang quản lý bằng tin học. Đặc biệt, TP.HCM sẽ tổ chức được hệ thống cung cấp dịch vụ thông tin đất đai cho nhiều đối tượng sử dụng đất khác nhau như doanh nghiệp thông tin, doanh nghiệp khác, tổ chức sự nghiệp, người dân.
“Điều quan trọng là trong quá trình nghiên cứu triển khai, bắt buộc phải sớm xây dựng cơ chế giám sát, lấy ý kiến, phản hồi thông tin từ các tổ chức xã hội theo quy định, các đối tượng sử dụng đất. Đồng thời, công khai, minh bạch trong công tác quản lý và xem đó là nhiệm vụ hàng đầu để hoàn thiện cơ chế quản lý đất đai”
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM