Hải Dương: Quyết tâm chống dịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 22:50, 01/03/2021

(TN&MT) - Sau 34 ngày thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hải Dương đã chủ động kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại vẫn có thể xảy ra nếu lơ là, chủ quan, không tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu "kép" của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tiếp tục tập trung cao độ, không một phút lơ là, chủ quan, quyết liệt đẩy lùi hoàn toàn dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất, cùng với việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ổn định đời sống nhân dân; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong trạng thái mới. Tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch nhằm đẩy lùi hoàn toàn dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Hải Dương quyết tâm phòng chống dịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội  

Từ ngày 3/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã thống nhất kết thúc 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với TP. Chí Linh và huyện Cẩm Giàng, đồng thời chuyển toàn tỉnh sang một trạng thái mới, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.

Các huyện, thành phố, thị xã chủ động quyết định các biện pháp phù hợp với mức độ nguy cơ đối với từng khu vực, địa điểm cụ thể trên địa bàn, bảo đảm không chủ quan, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực trong hoạt động lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, theo định hướng như sau: TP. Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng và Kim Thành cơ bản thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TTg, ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ cho tới ngày 17/3/2021; 8 huyện còn lại thực hiện cơ bản theo Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ cho tới khi dập dịch hoàn toàn; các xã, khu, điểm dân cư đang thực hiện quyết định phong tỏa thì tiếp tục thực hiện cho tới khi có quyết định kết thúc phong tỏa.

Hải Dương tiếp tục "thần tốc" thực hiện các biện pháp giám sát phát hiện nhanh các ca nhiễm SARS-CoV-2, tiến hành khoanh vùng, truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức điều trị hiệu quả, dập dịch dứt điểm, không để dịch có cơ hội lây lan với phương châm "dập dịch ngay từ đốm lửa nhỏ, không để lan thành ngọn lửa lớn", tiến tới dập dịch hoàn toàn, không còn ca mắc mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm được những ca bệnh nghi ngờ ở bất cứ nơi nào; đặc biệt là giám sát sốt, ho, đau họng, cảm cúm, viêm đường hô hấp… tại cộng đồng, hiệu thuốc cũng như tại các cơ sở khám chữa bệnh. Duy trì công suất xét nghiệm tại Trung tâm CDC bảo đảm phản ứng nhanh nhạy với bất kỳ tình huống dịch Covid-19 nào phát sinh và kiểm soát an toàn dịch bệnh trên diện rộng.

Tiếp tục tổ chức quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung, các khu phong tỏa, bảo đảm tuyệt đối không có nguy cơ lây chéo. Chú trọng công tác giám sát, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các bệnh viện, thực hiện việc phân luồng, khám sàng lọc, xét nghiệm một cách nghiêm ngặt, kiên quyết không để lọt bệnh nhân Covid-19 xâm nhập vào các bệnh viện mà không biết; bảo vệ các nhóm bệnh nhân yếu thế, bệnh nhân nguy cơ cao.          

Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ "Covid-19 cộng đồng", coi đây là một trong những biện pháp chiến lược, căn cơ, lâu dài, phòng chống dịch dựa vào nhân dân. Duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục của các tổ này đi từng ngõ, gõ từng nhà nhắc nhở các hộ dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là giám sát những người có biểu hiện sốt, ho, khó thở... trong cộng đồng để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, xử lý kịp thời.

Trong mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp… phải thành lập các tổ an toàn Covid-19 làm nhiệm vụ giám sát sức khỏe và giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Thực hiện nghiêm túc Quy định về phòng chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 636/QĐ-BCĐ ngày 25/2/2021 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh.

Xét nghiệm cho các công nhân trước khi vào làm việc ở huyện Cẩm Giàng 

Hải Dương sẽ điều chỉnh một số hoạt động kinh tế - xã hội để tăng cường hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, cho tới khi đẩy lùi hoàn toàn bệnh Covid-19; giao cho UBND tỉnh ban hành quyết định để quy định phù hợp với các địa phương trong tỉnh (xong trước ngày 3/3/2021).   

Các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, bệnh viện, trường học, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã… phải tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch Covid-19 do UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh ban hành. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… chịu trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp một cách phù hợp bảo đảm an toàn dịch bệnh cho cán bộ, nhân viên và người lao động, học sinh, sinh viên. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh định kỳ có kế hoạch tổ chức lấy mẫu điểm xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ cao để đánh giá mức độ an toàn về dịch bệnh của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...

Về kinh tế cần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể… khôi phục sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn trong trạng thái mới. Đặc biệt, chú ý các giải pháp về bảo đảm nguồn nhân lực là người lao động cho các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp FDI có đông công nhân, không để thiếu hụt lao động, nhưng phải bảo đảm an toàn về dịch bệnh trong doanh nghiệp.

Trong sản xuất nông nghiệp, cần tập trung chỉ đạo gieo cấy lúa chiêm xuân, trồng cây rau màu bảo đảm thời vụ. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn tiêu thụ nông sản còn tồn đọng, khôi phục sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị xuất khẩu và xuất đi các thị trường trong nước bảo đảm an toàn về dịch bệnh. Tập trung chăm sóc cây vải, nhãn và chủ động tìm thị trường đầu ra. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về lưu thông hàng hóa, hoạt động dịch vụ, thương mại, bảo đảm thông suốt, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu và phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh…

Tin & ảnh: Phạm Hoàng