Nông Cống - Thanh Hoá: Siết chặt công tác bảo vệ môi trường đối với mỏ đất

Khoáng sản - Ngày đăng : 14:07, 01/03/2021

(TN&MT) - Thời gian qua công tác quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn huyện Nông Cống (Thanh Hóa) có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống cơ chế chính sách từng bước được xây dựng và hoàn thiện.

Hiện nay, trên địa bàn xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống có 4 mỏ đất đang hoạt động gồm: Công ty Huy Hoàng, Công ty Trường Phát, Công ty Mê Kông và Công ty Thanh Ba. Có thể nói, do nhu cầu đất phục vụ công trình nên thời điểm các mỏ mới đi vào hoạt động đã có những ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người dân địa phương.

Các đơn vị khác thác mỏ đất tại xã Tượng Sơn chấp hành theo Kế hoạch BVMT đã phê duyệt

Sau nhiều lần Báo Tài nguyên & Môi trường phản ánh về tình trạng trên, các ban ngành đoàn thể cùng chính quyền địa phương đã “xắn tay” vào cuộc kiểm tra, xử lý và có nhiều biện pháp yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện công tác BVMT. Nhờ vậy, ý thức tự chấp hành, gắn khai thác khoáng sản với BVMT của các đơn vị đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Có mặt tại các điểm mỏ khai thác đất trên địa bàn xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống chúng tôi nhận thấy số lượng xe tải ra vào mỏ đã giảm đáng kể, để giảm thiểu bụi phát tán ra khu vực dân cư và tăng độ ẩm trong không khí, các Công ty đã thuê xe thường xuyên phun tưới nước trên đường vận chuyển. Bên cạnh đó, các chủ mỏ đã yêu cầu xe tải không chở đất cao qua thùng, trước khi ra khỏi điểm mỏ phải che chắn bạt, không để đất vương vãi gây ô nhiễm môi trường.

Thực hiện phun tưới nước từ điểm mỏ ra đường của xã và tỉnh lộ

Riêng đối với Công ty Huy Hoàng, vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã yêu cầu đơn vị phải thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo Kế hoạch BVMT đã được phê duyệt, tăng cường công tác phun nước giảm thiểu bụi phát sinh trên tuyến đường vận chuyển đất ra khỏi mỏ. Đồng thời, đơn vị đã chủ động dừng khai thác và thực hiện san gạt, trồng hàng nghìn cây xanh ở những vị trí đất trống gần khu vực dân cư, từ đó bụi và tiếng ồn đã giảm thiểu đáng kể.

Tiếp xúc với PV, một người dân thôn Đội 9, xã Tượng Sơn chia sẻ: Nhà tôi ở cách khu vực mỏ đất khoảng 500m, những năm trước đây mỏ đất hoạt động đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và các hộ xung quanh. Nhưng từ khi chính quyền địa phương yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm biện pháp BVMT, đời sống và công việc lao động, sản xuất của người dân gần mỏ đất đã được đảm bảo.

Trồng cây ở những vị trí gần khu dân cư để giảm bụi

Nhằm từng bước khắc phục hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản, những năm qua UBND xã Tương Sơn đã yêu cầu Công ty Huy Hoàng, Công ty Trường Phát, Công ty Mê Kông và Công ty Thanh Ba thực hiện ký cam kết với nội dung: Không khai thác đất ra ngoài vị trí mỏ, khai thác không quá độ sâu và đúng với thiết kế mỏ được phê duyệt; báo cáo định kỳ hoạt động khai thác về các cơ quan chức năng; tổ chức tưới nước trên đường công vụ tử mỏ ra đường của xã và đường tỉnh lộ…

Về phía UBND huyện Nông Cống đã ban hành Công văn số 2324/UBND-TNMT về việc tăng cường, chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Cụ thể, kiên quyết xử lý đối với những hành vi khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, xe vận chuyển vượt quá tải trọng, gây hư hỏng đường giao thông; Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép mà không kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho biết: Quan điểm của xã là kiên quyết xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp nếu vi phạm trong khai thác khoáng sản và không tuân thủ chặt chẽ các quy định về BVMT. Ngoài ra, xã còn thường xuyên đôn đốc và kiểm tra các đơn vị thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm như tưới nước, xe vận chuyển đất phải che chắn bạt trước khi ra khỏi điểm mỏ. Trường hợp các Công ty không chủ động khắc phục, xã sẽ kiên quyết ngăn chặn, nếu xét thấy vượt thẩm quyền UBND xã Tượng Sơn sẽ báo cáo UBND huyện Nông Cống để xử lý kịp thời đúng quy định của pháp luật.

Hoàng Anh