Xuân ấy tôi tòng quân nhập ngũ
Xã hội - Ngày đăng : 12:55, 28/02/2021
Tác giả và chiếc áo yếm hải quân một thời chiến sĩ, ảnh Đức Thịnh
Đi bộ đội - ước mơ tôi
Mùa xuân năm 1989, tôi là một trong bảy thanh niên xã Nga Tân, huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) có lệnh triệu tập khám nghĩa vụ quân sự vào Hải quân. Thực lòng lúc đó tôi chưa hiểu được “khái niệm” bộ đội và nối tiếp bước truyền thống quê hương, nhưng thực lòng hình bóng anh bộ đội Cụ Hồ cứ lấp lánh trong tim tôi nhiều đêm thao thức.
Ngày ấy “cán bộ khung” của Lữ đoàn 147 Hải quân đánh bộ về huyện Nga Sơn tuyển quân lính hải quân. Do cơ sở vật chất chưa đầy đủ như bây giờ nên họ mượn nhà dân xã Nga Mỹ làm “các phòng” khám sức khoẻ.
Vì đã ấp ủ “bóng hình bộ đội” luôn ở trong tim, nên khi nghe loa truyền thanh xã thông báo đi khám nghĩa vụ quân sự là tôi thích lắm. Sau một đêm thao thức không chợp mắt, tôi nói với mẹ khi màn sương đêm giá rét chưa tan: “Nay con đi khám nghĩa vụ quân sự. Nhất định con sẽ đậu và đi bộ đội”. Mẹ nhìn tôi nhoẻn cười: “Mày nhỏ vậy liệu có đắt không con”?
Vượt qua những cánh đồng khoai, ngô bát ngát, tôi vào bàn ghi tên. Sau khi ghi những lí lịch cần thiết, tôi leo lên bàn cân. Một anh sĩ quan đeo hàm thiếu uý nhoẻn miệng cười bảo “hơi nhỏ”. Tim tôi đập thình thình hiểu “mình thấp bé nhẹ cân bị người ta chê rồi”. Cầm tờ giấy đọc “thì ra mình có 42 cân, thảo nào”. Nghĩ thầm trong bụng “có lẽ khó đậu”. Trong đầu tôi “lóe” lên “sao không bỏ thêm gạch, đá vào túi cân cho nặng như ai đó mách bảo”? nhưng rồi lại nghĩ “không thể lừa dối chính bản thân mình”. Tôi “mạnh dạn” xé tờ khám sức khoẻ rồi vào xin đăng ký khám lại với mục đích sao cho nặng cân hơn.
Tôi mạnh dạn bước lên bàn cân sau khi ghi tên. Nhưng chỉ còn 41,5kg chứ không được như 42kg như lượt cân đầu. Hồi hộp lo lắng rồi quyết định lấy tờ giấy đã xé rách một đoạn đem nộp.
Tôi trở về nhà cả đêm đó tôi không ngủ. Câu hỏi đặt ra trong đầu: nếu không được vào bộ đội mình sẽ làm gì? câu trả lời là khám tiếp lần sau.
Chưa tờ mờ sáng hôm sau tôi đã dạy vo gạo nấu cơm. Từ loa truyền thanh của xã thông báo: “Những anh em trúng nghĩa vụ quân sự đợt 1 năm 1989 như sau: 1- Anh Mai Văn Thắng, con ông Mai Văn Củng xóm 7 Nga Tân…”. Tôi bỏ rá gạo chạy vào nhà gọi. “Mẹ ơi con trúng nghĩa vụ quân sự rồi, hoan hô, hoan hô, mình đã thành bộ đội”. Cả ngày hôm đó tôi vui mừng không tả xiết. Hình ảnh “chú bộ đội hải quân đứng canh ngày canh đêm, ngoài xa vời hải đảo” cứ lấp lánh trong đầu.
Bữa tiễn chân chạc khoai nhiều hơn gạo trắng
Sớm 8-3-1989, mẹ tôi dậy sớm nấu cơm. Nói là nấu cơm chứ kỳ thực là luộc chạc khoai và nồi cơm nhỏ. Bữa cơm trước giờ lên đường tòng quân nhập ngũ khoai nhiều hơn gạo nhưng thiêng liêng đầy ắp tình thân.
Manh chiếu cói sờn cũ trải giữa nền đất. Cả nhà tôi quây quần bên mâm cơm chạc khoai nhiều hơn gạo. Mẹ tôi ngồi đầu nồi xới mỗi người miệng bát cơm, riêng tôi mẹ in đầy chặt bát. “Hôm nay con được ưu tiên được phần cơm nhiều hơn. Ăn đi còn lên đường kẻo muộn”. Giọng mẹ chựng lại xúc động. Tôi kịp nhìn bát cơm của chỉ có miếng cháy cuối nồi.
Lấy từ túi áo nâu cũ ra 3 ngàn mẹ bảo “tiền bán táo của mẹ. Con cầm lấy cũng có lúc dùng đến nó”. Mẹ nghẹn lời, nước mắt rớm mi. Ba nghìn đồng lẻ đó có một nghìn đồng của bác hàng xóm cho, mẹ góp lại.
Chào mẹ con đi
Trời rét căm căm, mẹ dẫn tôi vượt qua những con đường mòn bát ngát ngôi xanh lên huyện giao quân. Lần đầu tiên khoác bộ quân phục hải quân, tôi thấy mình chững chạc. Nhìn tôi mẹ bảo “con trai đã thành chú bộ đội rồi”. Chúng tôi xếp thành hàng dọc đi ra xe để lên Ga Đò Lèn (Thanh Hoá). Mắt mẹ tôi rưng rưng. Xe chuyển bánh, Tôi đưa tay chào tạm biệt. Nhìn bóng mẹ xa dần sau rặng cây cuối làng tôi bật khóc.
Những ngày hoa lửa
Tiểu đoàn 474, Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 (Quân chủng Hải quân) đóng ở Quảng Ninh là nơi đầu tiên tôi công tác khi nhập ngũ. Tháng 3 ở vùng Đông Bắc, cái nắng hanh hao trên thao trường cũng không làm tôi nản chí.
Nhớ lời bà dặn
Những năm 1989-1990, Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 “khét tiếng” gian khổ và được gọi là nơi “luộc quân” bởi thời tiết khắc nghiệt. Địa danh gắn với sự khắc nghiệt đó là “rét Khe Giá”, “nắng Hoành Bồ”. Cánh lính “tò te” chúng tôi ngày “dãi nắng” trên thao trường, đêm “đánh địch” ngoài sông Chanh. Những bài tập đầu tiên về “Đánh địch đổ bộ bãi sú sông Chanh”, rồi “ba lô ướt sũng, trán đổ mồ hôi” đã tôi luyện tôi thành chiến sĩ kiên cường. Vẫn nhớ như in hàng chục lần cả tiểu đội thức trưa gấp chăn vì “can tội” chăn “vuông góc” thì gấp thành “hình thang”, nửa đêm gà gáy “chân xỏ giày sẵn, vai khoác ba lô cát” chạy 3km đường đồi Khe Giá. Biết bao lần tiểu đội giữa trưa nắng ngồi trên đỉnh đồi miên man nhớ quê nhà hương cà bếp lửa… Tất cả gian khổ của thời mới nhập ngũ đã rèn tôi trưởng thành và trở thành “ký ức hoa lửa” không thể nào quên.
Sau 1 năm tuổi quân, tôi được đơn vị cử đi học sĩ quan tại Học viện Chính trị- Quân sự.Tháng 12-1994 tốt nghiệp với quân hàm trung uý và tình nguyện xin ra nhà giàn DK1 công tác. Nhà giàn DK1 ngày ấy khó khăn gian khổ đâu được như bây giờ. Nước ngọt vẫn phải chia nhau từng ca, ngày nắng cháy da, đêm lạnh thấu xương người. Chúng tôi “trằn mình” giữa cái nắng cháy da cháy thịt, chia nhau từng hớp nước ngọt giữa tận cùng cơn khát. DK1 vào những năm 1995-2000 chưa có điện thoại, phương tiện liên lạc giữa đất liền và hải đảo là thư viết tay. Ngày huấn luyện, chiều rèn luyện sức khỏe, đêm viết thư về quê nhà dưới ánh trăng ngoài lan can. Những chiều tà, ca gác đêm thâu kéo theo nỗi nhớ nhà miên man. Gian khổ không thể nói hết bằng lời, dẫu vậy, tất cả đều quyết tâm và một tình yêu không điều kiện: DK1- những cột mốc sống mang dáng hình Tổ quốc giữa ngàn khơi. Trong suy nghĩ của chúng tôi lúc đó, DK1 là “bia chủ quyền sống”. Và nếu không có những người DK1, ai là người bảo vệ Thềm lục địa phía Nam? Ai giữ cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc?
Mùa Xuân 2021, hàng vạn nam thanh, nữ tú theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Có người ra đi theo tiếng gọi từ trái tim mình, có thanh niên đi để tiếp bước cha anh, có chàng trai đi theo lời biển gọi... Mỗi người đến một miền quê, dải đất khác nhau, song đều có chung mục tiêu, lý tưởng là cống hiến tuổi xanh cho Tổ quốc, trong đó có nhiều tân binh thiết tha ra Trường Sa để hiến sức mình.
Cũng như tôi và bao “lính già” ngày ấy, những chiến sĩ mới bây giờ đang tiếp bước cha anh. Ở biên thùy hay nơi đảo xa, ở thành thị hay nông thôn, vùng núi hẻo lánh… họ khoác áo biển khơi, luyện rèn trong nắng lửa, mưa rào, tất cả vì Trường Sa thiêng liêng, vì bình yên của chủ quyền biển, đảo. Cũng như “lính đỏ”, “lính xanh”, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của “lính hải quân”, chỉ khác, nơi các anh bảo vệ, chiến đấu là tuyến đầu sóng gió, khắc nghiệt về thời tiết, cách xa về quãng đường, gian lao và khó nhọc.
Ai bảo bộ đội Trường Sa bây giờ sướng? Ai bảo công tác ở nhà giàn DK1 bây giờ không gian khổ? Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và đồng bào cả nước, Trường Sa giờ đây đã tươm tất hơn nhiều nhưng vẫn còn đó không ít thiếu thốn, vẫn còn đó không ít thử thách.
Cuộc đời đẹp nhất của tuổi trẻ là trên trận tuyến đánh quân thù, cuộc đời đẹp nhất của thanh niên thời bình lặng im tiếng súng là cống hiến cho Tổ quốc, mà Trường Sa, nhà giàn DK1 là nơi để thỏa sức mình. Nhiệm vụ các anh đang thực hiện, công việc đang làm, tuổi xuân các anh đang thầm lặng hiến dâng nơi tiền tiêu Tổ quốc với một tình yêu bất tử mang tên: Trường Sa.