Bước tiến trong quản lý đo đạc và bản đồ tại địa phương

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 17:25, 26/02/2021

(TN&MT) - Việc ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ, văn bản quy định chi tiết của Luật là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện quản lý, triển khai nhiều hoạt động tại các địa phương có hiệu quả.

Theo ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Luật Đo đạc và Bản đồ với tính pháp lý cao nhất đã đảm bảo cho việc thực thi công tác quản lý, triển khai các hoạt động đo đạc và bản đồ tại các địa phương được thuận lợi, có hiệu quả.

Cụ thể, sau khi Luật Đo đạc và Bản đồ, các văn bản quy định chi tiết Luật được ban hành, để đảm bảo thi hành Luật, nhanh chóng đưa Luật đi vào cuộc sống, trong thời gian qua, nhiều địa phương như: Đồng Nai, TP.HCM, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn… đã tổ chức hoặc phối hợp với Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam tổ chức các hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật.

Tới nay, Luật Đo đạc và Bản đồ đã được tuyên truyền phổ biến sâu rộng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần đưa hoạt động đo đạc và bản đồ từng bước đi vào nền nếp.

Quảng Trị tổ chức Hội nghị giới thiệu phổ biến Luật Đo đạc và bản đồ

 

Cùng với đó, nhiều địa phương đã ban hành văn bản để thống nhất quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ, công bố thủ tục hành chính về đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đo đạc và Bản đồ theo quy định tại Quyết định số 415/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức triển khai xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý và bản đồ địa hình quốc gia và cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hạng II.

Ngoài ra, các địa phương đã sớm ban hành văn bản quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định rõ trách nhiệm từng các Sở, ngành về các nội dung quản lý, triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ tại địa phương theo phân cấp, tập trung rà soát các văn bản do địa phương đã ban hành nhưng không còn phù hợp với Luật Đo đạc và Bản đồ để kịp thời bãi bỏ, sửa đổi hoặc ban hành mới.

Đồng thời bám sát quy định tại Điều 58 của Luật về trách nhiệm của UBND các cấp để quy định rõ ràng, cụ thể về các nội dung có liên quan, đảm bảo đúng trách nhiệm, không chồng chéo giữa các ngành, các cấp của địa phương và thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI) để  thực hiện Chính phủ điện tử

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin trong giai đoạn hiện nay với tốc độ đột phá của cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi yêu cầu cao đối với thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ về độ chính xác, độ tin cậy và tính kịp thời. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước theo yêu cầu của Luật Đo đạc và Bản đồ, ông Hoàng Ngọc Lâm cho rằng, giải pháp trước mắt trong thời gian tới các địa phương cần tập trung thực hiện đó là hoàn thiện việc cung cấp cơ sở dữ liệu nền địa lý và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1/2.000. 1/5.000 phục vụ công tác quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 theo quy định của Luật Quy hoạch, có kế hoạch rà soát các dữ liệu đã có để lập kế hoạch triển khai cập nhật, bổ sung kịp thời. Đây là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo lập quy hoạch được phù hợp, thống nhất.

Đồng thời cần có kế hoạch tổ chức việc cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hạng II theo quy định.

Đặc biệt, nhiệm vụ cần trọng tâm ưu tiên trong thời gian tới đó là chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, công nghệ để thực hiện nhiệm vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI) theo phân cấp. Đây là cơ hội để các địa phương thực hiện chính quyền điện tử, dựa trên nền tảng Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủy Nguyễn