Nghệ An: Ra công điện khẩn phòng chống dịch Cúm gia cầm

Xã hội - Ngày đăng : 13:42, 26/02/2021

(TN&MT) - UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công điện khẩn 09/CĐ-UBND, ngày 25/02/2021 yêu cầu toàn tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người.

Theo thông báo của Cục Thú y Nghệ An, từ đầu năm 2021 đến nay cả nước xảy ra 40 ổ dịch Cúm gia cầm (CGC) A/H5N6 và A/H5N1 tại 14 tỉnh, thành phố, tổng số gia cầm buộc tiêu hủy trên 100.000 con. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có 01 ổ dịch CGC H5N6 xảy ra tại xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu chưa qua 21 ngày.

Để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh CGC kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi và đảm bảo sức khỏe cho người dân, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương bố trí kinh phí, nguồn lực tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh CGC; xây dựng kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm năm 2021 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đặc biệt chú trọng tiêm phòng triệt để bệnh Cúm gia cầm đạt 100% diện phải tiêm.

Tỉnh Nghệ An đang khẩn trương triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người

Đồng thời, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp/Phòng Kinh tế, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện, UBND cấp xã cử cán bộ tăng cường xuống cơ sở để nắm bắt tình hình dịch bệnh. Khi nhận được thông tin có gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh cần tiến hành điều tra dịch tễ ngay, lấy mẫu xét nghiệm, ký cam kết với các chủ hộ không vứt xác động vật chết ra môi trường, không vận chuyển, bán chạy, giết mổ gia cầm ốm, chết; triển khai các biện pháp phòng, chống, khống chế ổ dịch trong diện hẹp...

Các địa phương thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh CGC; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, con giống đảm bảo nguồn gốc rõ ràng; thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi; không sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, không ăn tiết canh gia cầm...

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi, tổng đàn chăn nuôi trên địa bàn. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi có dịch bệnh mới được phát hiện. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, tự ý giết mổ tiêu thụ gia cầm bệnh, vứt xác gia cầm ra môi trường dẫn đến dịch lây lan rộng.

Đối với UBND huyện Diễn Châu (địa phương đang có dịch CGC), ngoài các nhiệm vụ trên cần tập trung mọi nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm ổ dịch CGC trong diện hẹp, không để lây lan và phát sinh ổ dịch mới.

Phạm Tuân