Thị trường BĐS 2021: Phục hồi thông qua “đòn bẩy”… chứng khoán
Bất động sản - Ngày đăng : 10:19, 25/02/2021
Mượn lực từ thị trường chứng khoán
Năm 2020 là một năm đầy sóng gió, gian nan và thách thức đối với nền kinh tế nước ta bởi đại dịch Covid-19. Những năm gần đây, thị trường BĐS ở TP.HCM vốn dĩ đã khó khăn thì nay càng khó khăn hơn gấp bội. Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), thị trường BĐS TP.HCM nhìn chung vẫn chưa đạt được mục tiêu phát triển minh bạch, ổn định, lành mạnh và bền vững.
“Nguyên nhân một phần do “điểm nghẽn thể chế pháp luật”, nếu tháo gỡ được điểm nghẽn này thì phần nào thị trường BĐS sớm hồi phục. Ngoài ra, cũng cần tập trung tổ chức thực hiện tốt cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực đất đai, tài chính. Năm 2020, đã đánh dấu bước chuyển biến, tiến bộ trong công tác xây dựng pháp luật, nhưng vẫn còn một số mặt hạn chế, nhất là trong hoạt động thực thi pháp luật ở một số đơn vị”, ông Lê Hoàng Châu phân tích thêm.
TS. Trần Nguyên Đán - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM lập luận, thị trường BĐS muốn vươn lên phải cần đến “đòn bẩy”. Đòn bẩy ở đây không phải là kiểu đi vay tiền mà là sự tác động, niềm tin của thị trường BĐS. Đầu tư dự án BĐS thường là những doanh nghiệp có vốn hóa lớn trực tiếp đầu tư, nhưng họ vẫn phải mượn lực của thị trường khác để tác động. Đối với thị trường BĐS, nhà đầu tư tháo chạy trong thời điểm khó khăn như hiện nay thì khó đạt được tính thanh khoản cao sau này.
“Từ cuối năm 2020 đến nay, dòng tiền đầu tư lại đổ rất nhiều vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, vẫn còn manh mún theo kiểu lướt sóng. Một số nhà đầu tư chứng khoán còn “lơ ngơ” không nắm bắt được diễn biến tình hình kinh tế nên mang tâm lý đầu tư vào các cổ phiếu để tính đường tháo chạy và cắt lỗ. Do đó, cần có hướng làm sao để dòng tiền đổ vào chứng khoán sẽ dịch chuyển trở lại vào BĐS” - TS. Trần Nguyên Đán cho biết thêm.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường BĐS muốn vươn lên phải cần đến “đòn bẩy” |
Bất động sản sẽ hồi phục và tăng trưởng
Giám đốc một công ty BĐS tại TP.HCM cho rằng, hơn một năm qua, nhiều nhà môi giới BĐS đang trong tình cảnh thiếu hụt nguồn cung sản phẩm BĐS. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm BĐS, nhưng vẫn không có người để mua. Để duy trì hoạt động, không ít doanh nghiệp “xoay" tài chính đầu tư vào chứng khoán để mong thị trường này kéo thị trường BĐS tăng trưởng trở lại. Ngoài việc “bơm” tài chính vào chứng khoán, một số nhà môi giới đã tham gia trực tiếp vào việc đầu tư BĐS. Môi giới BĐS được xem là người đứng ở giữa, nhưng họ cũng có thể sẽ là người tạo lập đường “cung” và “cầu” cho thị trường BĐS trong thời gian tới.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, đầu năm 2021, nhiều tập đoàn, công ty cho hay sẽ đầu tư vào chứng khoán và BĐS giá tầm trung. Đây là thước đo niềm tin đối với nhà đầu tư khi thị trường BĐS “ấm” trở lại. Thế nhưng, đến khi chuẩn bị đổ tiền vào hai thị trường này thì có không ít nhà đầu tư lại “nhìn nhau” và không ai muốn là người tiên phong. Lúc này, những doanh nghiệp có quỹ đất, tài chính, uy tín sẽ xung phong đi trước. Việc thị trường chứng khoán kéo theo thị trường BĐS hồi phục là có khả thi, nhưng chưa thể xác định được thời điểm cụ thể.
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin, mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn ra, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi bền vững, tăng trưởng ngoạn mục. Số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới tăng kỷ lục trong năm 2020. Lũy kế tới hết tháng 12/2020, tổng số lượng tài khoản đạt hơn 2,77 triệu tài khoản, tăng 16,7% so với cuối năm 2019. Sự ổn định kinh tế vĩ mô chính là môi trường thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp vươn lên phát triển, đó cũng là động lực giúp thị trường chứng khoán tăng sức hấp dẫn từ nội lực.
“Năm 2021, khung pháp lý cho hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều điểm mới, trong đó có liên quan đến nhà đầu tư và doanh nghiệp. Cụ thể, Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung cùng các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành, liên quan sẽ tạo ra được hàng hóa tốt, chất lượng và các thông tin được minh bạch, chuẩn mực, từ đó bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư” - ông Trần Văn Dũng cho hay.
“Hiện nay, các doanh nghiệp BĐS đang “ôm hàng” để tìm cách xoay chiều, tạo ra tính thanh khoản cao. Song, muốn làm được điều này, các doanh nghiệp BĐS cần phải có nguồn vốn lớn để tự tạo lập thị trường thì mới thu hút được khách hàng, nhà đầu tư. Như vậy, mới kỳ vọng thị trường BĐS sẽ có sức bật trở lại. Ngoài ra, lượng tiền đã và đang được “bơm” vào các mã chứng khoán có liên quan đến các tập đoàn, công ty BĐS với niềm tin thị trường địa ốc sẽ tăng trưởng mạnh thì dòng tiền từ chứng khoán cũng sẽ chảy ngược vào BĐS. Từ đó, thị trường chứng khoán và thị trường BĐS đều cùng nhau đi lên”.
TS. Trần Nguyên Đán - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM