Hỗ trợ hoạt động trên biển Đông cho ngư dân trong điều kiện không internet
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 10:19, 25/02/2021
Tiến sĩ Tuấn Anh cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng xong phiên bản thử nghiệm theo mô hình trên ở quy mô thu nhỏ với việc thuê 1Gb dung lượng máy chủ có sẵn dịch vụ Cloud, cho phép đơn vị chuyên ngành cập nhập dữ liệu hỗ trợ từ máy trạm lên máy chủ và cho phép cập nhập dữ liệu từ máy chủ xuống thiết bị trên tàu. CSDL nền dùng chung là bản đồ biển ở tỷ lệ nhỏ và mô hình DEM địa hình đáy biển. CSDL chuyên ngành là các đường phân chia, các khu vực đặc thù và các vị trí đánh dấu trên biển. Thiết bị đưa xuống các tàu là các điện thoại di động hoặc máy tính bảng chạy hệ điều hành Android với phần mềm hỗ trợ do chúng tôi tự xây dựng”.
Kết quả bước đầu của hệ thống đã chạy tốt trên hệ điều hành Android thông dụng để tận dụng được các thiết bị phần cứng có màn hình rộng, đa điểm chạm, dễ sử dụng, dễ thao tác, dễ điều khiển, giá rẻ, có sẵn và Việt Nam có thể chủ động sản xuất được. Ứng dụng tăng cường hỗ trợ trên biển Đông đã được Google phê duyệt cho lên kho ứng dụng CHPlay vào ngày 1/2/2021 tại đường link http://play.google.com/store/apps/details?id=com.nta.bienviet.
Hệ thống có khả năng hỗ trợ các hoạt động trên biển trong điều kiện không có kết nối internet. Ảnh: MH |
Hệ thống này có khả năng hỗ trợ các hoạt động trên biển trong thời gian thực ở điều kiện trên biển không có kết nối internet, bằng cách đưa tất cả các dữ liệu và chức năng hỗ trợ từ máy chủ xuống thiết bị trên tàu trước mỗi chuyến đi biển. Với việc quản lý quy trình tàu xuất nhập bến cho phép cơ quan quản lý kiểm soát được lượng tàu đang ra khơi, đồng thời quản lý giám sát được phạm vi hoạt động và sự vi phạm trong khai thác thủy sản của các tàu.
Các chức năng chính gồm: Thao tác trên Hải đồ có các đường phân chia; tự động nhận diện và cảnh báo các vùng ranh giới; đánh dấu vị trí, tìm kiếm, dẫn đường, đo đạc, xác định hướng, vận tốc, tọa độ, độ sâu; ghi giám sát hành trình; ghi nhật ký khai thác điện tử; tránh bão, tìm các vị trí tránh trú an toàn gần nhất; gửi dữ liệu về cho cơ quan quản lý và quản lý quy trình xuất nhập bến.
Trên hệ thống được cài đặt sẵn của điện thoại hoặc máy tính bảng có hiển thị và thao tác với bản đồ nền dạng Hải đồ kèm theo các khu vực đặc thù và đường ranh giới trên Biển; Đánh dấu, dẫn đường, tìm kiếm, xác định tọa độ, độ sâu trong thời gian thực; Nhận diện và cảnh báo các vùng ranh giới; Nhận diện và cảnh báo chiều dài, công suất tàu tương ứng với vùng bờ, vùng lộng và vùng khơi. Cảnh báo khi tàu đi vào các khu vực hải phận nước ngoài, khu vực bảo tồn, cấm khai thác...
Đồng thời, đánh dấu và tìm kiếm ngư trường, hiển thị dữ liệu dự báo ngư trường; Ghi giám sát hành trình gồm thông tin thời gian, tọa độ, độ sâu và vùng khai thác; Ghi Nhật ký khai thác điện tử với khả năng tự động hóa tối đa, cho phép chỉnh sửa và lưu lại nhật ký trên thiết bị, tự động gửi dữ liệu dạng file nhật ký số về cơ quan quản lý. Đặc biệt ngư dân và các tàu hàng di chuyển trên biển có thể xác định vị trí tâm bão và hướng bão để hỗ trợ tàu tránh bão; Tìm nơi tránh trú an toàn với gần 3.000 điểm cảng và đảo; Quản lý tàu xuất nhập bến để kiểm soát được lượng tàu đang ra khơi; Cập nhật các dữ liệu mới khi tàu xuất bến trước mỗi chuyến đi biển.
Trên cơ sở các đường, vùng ký hiệp định với các nước và đường EEZ (Exclusive Economic Zone) của các nước, hệ thống xác định được 1 vùng khơi tham khảo cho tàu của Việt Nam có thể tự do hàng hải và khai thác thủy sản an toàn, hợp pháp trên biển Đông. Ngoài ra đường cơ sở, đường xác định vùng bờ, vùng lộng cũng được đưa vào để phục vụ các hỗ trợ và nhận diện trên biển.
Với lợi thế về dữ liệu và công nghệ, các tác giả đặt mục tiêu hướng tới một giải pháp thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng một hệ thống quản trị biển tổng hợp theo chu trình tuần hoàn, từ việc đưa dữ liệu hỗ trợ ở đất liền ra biển cho đến việc thu nhận dữ liệu ngoài biển từ các tàu gửi về để xử lý hoàn thiện tập dữ liệu hỗ trợ, tạo ra 1 hạ tầng kỹ thuật làm cầu nối giữa các trung tâm dữ liệu ở đất liền với các hoạt động trên biển.
Một điểm đáng kể của hệ thống này là tính chủ động sáng tạo rất cao từ phía người sử dụng, bên cung cấp dữ liệu cho đến đội ngũ phát triển. Bên phát triển có thể ngay lập tức thêm bớt chỉnh sửa các chức năng, giao diện cho phù hợp với thực tiễn mà không phụ thuộc vào bên thứ 3 nào. Như vậy, có thể nói rằng đây là giải pháp tạo ra cầu nối để đưa các dữ liệu và chức năng từ trong các ý tưởng, viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm ra ngoài biển, hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động trên biển.